Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 13- 19/4, là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chất lượng không khí tại đa số các đô thị đều ở mức tốt và trung bình. Chất lượng không khí giữa các đô thị vẫn có sự khác biệt rõ rệt. Hà Nội vẫn là đô thị có mức độ ô nhiễm cao nhất. Một số đô thị khác như Việt Trì, Hạ Long, Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, về cơ bản chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.
Tại Hà Nội, có 3 trong số 7 ngày ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm tập trung cao nhất trong hai ngày 15-16/4. Theo ghi nhận của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air và Đại sứ quán Mỹ, nhiều ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng kém-tác động đến sức khỏe của những người nhạy cảm như người hen suyễn, mắc bệnh hô hấp, ở một số điểm đo nội thành Hà Nội, trong nhiều giờ, chất lượng không khí lên ngưỡng xấu-có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Từ ngày 19 đến nay, chất lượng không khí của Hà Nội duy trì ở mức trung bình và kém.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Tổng cục Môi trường, những ngày ô nhiễm là những ngày lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội đô gia tăng, ngoài ra, tình trạng ô nhiễm còn chịu ảnh hưởng thêm bởi yếu tố thời tiết. Khoảng thời gian này là những ngày lặng gió, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn.
So sánh diễn biến chất lượng không khí từ ngày 1/1 đến 10/4 năm 2020 với cùng kỳ của những năm trước đó, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 đến 10/4, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó. “Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị”, Tổng cục Môi trường nhận định.
Nhung Nguyễn
Tóm tắt từ “Vì sao Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí dù đang giãn cách xã hội?”, báo Tiền Phong
Để lại bình luận