Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường không khí, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi đưa ra nhiều quy định mới, như giao trách nhiệm đến từng địa phương phải xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; hay phải có biện pháp khẩn cấp nếu ô nhiễm không khí ở mức rất xấu và nguy hại…
Đây là thông tin tại cuộc họp nhằm cung cấp thông tin cho báo chí về một số nội dung mới của Luật BVMT sửa đổi, được Tổng cục Môi trường tổ chức, vào chiều ngày 8/6, tại Hà Nội.
Toàn cảnh cuộc họp báo vào chiều ngày 8/6
Trong khi Luật BVMT 2014 chỉ có quy định chung chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải thì tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Phải có Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí
Cụ thể, các địa phương phải thực hiện các công việc cụ thể như: Đánh giá chất lượng không khí; Xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; Đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra; Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; Phân tích, nhận định các nguyên nhân gây ô nhiễm không khívấn đề còn tồn tại; Xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.
Cùng với đó, Luật BVMT sửa đổi cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải đối với của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành; lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải gây ô nhiễm môi trường.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Cần có biện pháp khẩn cấp nếu ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Tính đến một số biện pháp khẩn cấp nếu ô nhiễm không khí đến mức rất xấu, nguy hại, ông Lê Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường đề nghị, có thể hạn chế hay cấm các phương tiện giao thông trong khu vực nội đô, phun nước rửa đường, điều chỉnh thời gian đi học của học sinh…Những biện pháp này sẽ được cân nhắc để tham mưu với chính phủ, quốc hội ở cấp luật hay các văn bản dưới luật. Đối với trường hợp khẩn cấp ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra trong nội tỉnh, UBND tỉnh hoàn toàn đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động nguồn lực; còn đối với trường hợp khẩn cấp liên vùng, liên tỉnh thì cần pải có sự chỉ đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.
Góp ý cho nội dung này, PGS. TS Nghiêm Trung Dũng – nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp về ô nhiễm không khí, có 2 trường hợp. Một là, khi xảy ra sự cố môi trường; hai là kết hợp các nguồn thải và các hình thái khí tượng cực đoan. Từ đó, có 2 nhóm biện pháp được đưa ra. Nhóm 1 là bảo vệ người dân (như di dời người dân, cảnh báo người dân không nên ra đường, cho học sinh nghỉ học..); nhóm 2 là kiểm soát nguồn thải gây ra sự cố ô nhiễm (như tìm cách khu biệt các nguồn thải, có những biện pháp giảm thiểu như giảm công suất, giảm cộng tính của nguồn gây ô nhiễm).
Tóm tắt từ “Sửa đổi luật bảo vệ môi trường: Chú trọng cải thiện chất lượng không khí”, báo tài nguyên và môi trường
Để lại bình luận