Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2. Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm qua, chính quyền Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.
Trong “Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”, thành phố đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn. Trên tinh thần đó, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp trọng điểm.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, kêu gọi sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích tiêu dùng xăng E5 và triển khai nhiều giải pháp trong việc hạn chế khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động sử dụng thiết bị hiện đại của các nước G7 với tổng đầu tư 495 tỷ đồng nhằm thay thế hệ thống quan trắc thủ công vốn mất rất nhiều thời gian để phân tích mẫu và không thể cung cấp số liệu liên tục cho người dân.
Hiện tại, Sở đã lắp đặt thí điểm hai trạm quan trắc không khí tự động ở cửa ngõ phía Đông (Khu Công nghệ cao) và phía Tây (Phòng giáo dục quận Bình Tân) của Thành phố. Các trạm này cứ 5 phút cho dữ liệu một lần, hoạt động liên tục với độ chính xác cao, giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng ô nhiễm không khí tại đây.
Kết quả quan trắc đặt tại những “điểm nóng” về ô nhiễm của Thành Phố Hồ Chí Minh như Giao lộ Hàng Xanh, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Điện Biên Phủ, Ngã Tư An Sương, so với năm 2016, nồng độ các khí thải gây ô nhiễm đã giảm khoảng 80%, vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó khí CO giảm khoảng 40%, khí hidrocarbon giảm khoảng 30% và khí NOx giảm mạnh gần 90%.
Dự kiến đến năm 2030, Sở sẽ lắp đặt thêm 16 trạm quan trắc tự động ở các giao lộ lớn, khu dân cư, khu công nghiệp tại các quận huyện, nâng tần suất quan trắc không khí của thành phố Hồ Chí Minh lên gấp 5 lần hiện nay. Từ các chỉ số hệ thống quan trắc tự động thu thập được, Sở sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra dự báo, xây dựng kế hoạch quan trắc phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như cảnh báo đến người dân.
Theo tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường
Để lại bình luận