Thêm một nghiên cứu khẳng định tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã bị các vấn đề về tim. Nghiên cứu được công bố bởi JAMA Network Open.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh cho biết, cứ tăng 6% mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, nguy cơ đột quỵ ở người lớn mắc bệnh rung tâm nhĩ, được gọi là AFib, tăng 8%.
AFib là nhịp tim không đều có thể gây ra cục máu đông, đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 12 triệu người Mỹ mắc chứng bệnh này.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này dựa trên phân tích của hơn 31.000 người trưởng thành mắc bệnh AFib sống ở phía tây Pennsylvania, một khu vực “có mức độ ô nhiễm công nghiệp cao trong lịch sử”.
Đối với nghiên cứu của mình, Magnani – bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh và các đồng nghiệp của ông đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 31.414 người lớn được điều trị AFib trong hệ thống y tế của Đại học Pittsburgh từ năm 2007 đến năm 2015. Khoảng một nửa số bệnh nhân là nữ và tất cả đều ở độ tuổi từ 61 đến 87.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong số những bệnh nhân được đưa vào phân tích, 1.546 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong thời gian nghiên cứu kéo dài 8 năm.
Những người có mức phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất – từ 11,11 đến 15,74 µg/m3– có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 20% đến 36% so với những người có mức phơi nhiễm thấp nhất – từ 9,13 đến 10,07 µg/m3.
Các thành phần chính của bụi mịn là sunfat, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước. Nó bao gồm một hỗn hợp phức tạp của các hạt rắn và lỏng của các chất hữu cơ và vô cơ lơ lửng trong không khí, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Đối với những bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, mức tiếp xúc với PM2.5 trung bình hàng năm là khoảng 10 µg/m3, tương đương với mức trần của WHO về chất lượng không khí trong lành.
Magnani nói: “Những người bị bất kỳ bệnh tim nào cần hiểu rằng họ có nguy cơ cao do tiếp xúc với môi trường, và họ cần theo dõi mức độ ô nhiễm trong khu vực của mình và chú ý đến chất lượng không khí.
Ông nói: “Những người mắc chứng AFib có xu hướng lớn tuổi và có các tình trạng sức khỏe khác, vì vậy ô nhiễm có tác động bổ sung đến nguy cơ đột quỵ.
Theo UPI (Link bài viết gốc)
Để lại bình luận