Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh phía Nam đã thực hiện được một số nghiên cứu về ô nhiễm không khí như kiểm kê khí thải, tính toán tác động ô nhiễm không khí lên sức khỏe, phân vùng khí thải và ứng dụng mô hình hóa phục vụ quản lý môi trường không khí, nhằm xây dựng kế hoạch không khí sạch tại một số tỉnh, thành phố phía Nam đến năm 2025. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm của PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Việc kiểm kê khí thải tại thành phố Cần Thơ được công bố năm 2019 cho thấy, lượng bụi phát thải đang chủ yếu từ xi măng, gạch và giấy chiếm 50%, đốt rơm rạ 30%, hoạt động dân sinh chỉ chiếm 6%. Các hợp chất hữu cơ bay hơi không metan (VMVOCs) chủ yếu do khí thải từ mô tô, xe máy chiếm 46%, dệt may do lò hơi sử dụng vỏ trấu, dung môi… chiếm 29%. Khí CO chủ yếu từ khí thải mô tô, xe máy và đốt rơm rạ.
HCM và Cần Thơ đang bị báo động về ô nhiễm
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong tình trạng tương tự, tuy nhiên, với dân số đông, lượng bụi ở đây chủ yếu phát thải từ khí thải xe máy và mặt đường khi xe chạy chiếm 37,7%, hộ gia đình chiếm 11,4%.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi phân vùng xả thải khí CO, mỗi năm, các quận trung tâm cần giảm một lượng từ 5.000-8.000 tấn/km2. Các quận, huyện phía Tây và Bắc cần giảm khoảng 3.000 tấn/km2. Các quận, huyện phía Đông và Nam có thể tiếp nhận đến 10.000 tấn/km2. Với phân vùng xả thải khí NO2, mỗi năm, các quận trung tâm và quận, huyện phía Tây cần giảm phát thải tới 86 tấn/km2. Các quận, huyện phía Đông và Nam, huyện Củ Chi, Quận 9 và huyện Cần Giờ có thể tiếp nhận được đến 780 tấn/km2.
Tại thành phố Cần Thơ, bản đồ lan truyền đã được thiết lập cho các chất ô nhiễm như ô nhiễm ozone cho tất cả các nguồn, lan truyền NOx, CO, SO2.
Thông qua việc tích hợp các nghiên cứu, giải pháp và hành động được đề xuất tại thành phố Cần Thơ gồm: kiểm soát và giảm thiểu khí thải xe cơ giới đường bộ, trong đó thành lập Nhóm công tác kiểm tra xe cơ giới, xây dựng “Điều khoản tham chiếu” của nhóm này gồm năng lực cho các kỹ thuật viên, hoàn thành các giải pháp để bảo đảm sự phù hợp của các quy định và tăng cường tính tuân thủ; xây dựng kế hoạch công tác dựa trên điều khoản tham chiếu và thực hiện giám sát, đánh giá. Quy định bắt buộc mô tô phải được kiểm tra khí thải.
Các biện pháp khác được đề cập là cải thiện giao thông công cộng, hỗ trợ giao thông đô thị bền vững như cải thiện cơ sở hạ tầng cho người đi bộ, đánh giá, thiết kế và thực hiện dự án thử nghiệm hệ thống chia sẻ xe đạp; giảm thiểu phát thải từ các nguồn điểm; lắp đặt công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí thử nghiệm trong các nhà máy; đánh giá các công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí và xác định các giải pháp công nghệ cho các nhà máy dệt, giấy và luyện kim.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
Để lại bình luận