Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Dân sự cầm biển hướng dẫn người lái xe tắt máy khi dừng đèn đỏ trong chiến dịch giao thông của chính quyền Delhi nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm vào ngày 12/11/2020. Ảnh: Reuters
Trong không khí tràn ngập khí thải, Rihana Saif, 22 tuổi, đứng tại đèn tín hiệu giao thông ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, cầm một tấm biển để kêu gọi những người lái xe tắt máy khi dừng đèn đỏ.
Thành phố New Delhi đã phải đối mặt với một trong những đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong nhiều năm, do khí thải từ giao thông, nhà máy, khói bụi xây dựng và việc đốt rác thải nông nghiệp tràn lan ở các bang lân cận.
Các bác sĩ và các nhà bảo vệ môi trường cho rằng khói bụi đang làm trầm trọng thêm các tác động đến sức khỏe của mọi người trong làn sóng COVID-19 thứ 3. “Đôi khi tôi cảm thấy mắt mình cay xè do đứng trong không khí ô nhiễm quá lâu” Saif nói.
Saif là một trong số hơn 2.000 người thuộc lực lượng Phòng vệ dân sự của thành phố, lực lượng hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp ở tuyến đầu của thủ đô, được triển khai theo kế hoạch “bật đèn đỏ, tắt xe”.
Được trả mức lương khoảng 300 USD hàng tháng, họ cũng đã tham gia hỗ trợ tại các khu vực cách ly COVID-19 trong những tháng gần đây.
Được công bố vào tháng 10, chính quyền Delhi trong tuần này đã mở rộng kế hoạch đến cuối tháng, với lo ngại rằng lễ hội Diwali vào ngày 14/11 có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng. Mặc dù thủ đô đã ra lệnh cấm đốt pháo nhưng theo dự đoán, người dân sẽ đốt một lượng pháo lớn.
Các nhà chức trách cũng đã thử nghiệm “súng khói” phun sương mù trong không khí nhằm giảm các đám mây bụi độc hại. Tuy vậy, ô nhiễm ở một số khu vực của thủ đô vẫn cao hơn gấp 8 lần giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Chính quyền Delhi cho biết chiến dịch giao thông nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm và việc tắt động cơ là hoạt động tự nguyện.
Theo Tổng hợp từ Reuters
Để lại bình luận