Sáng 8-12, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức hội nghị phản biện dự thảo đề án Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM, trong đó đề xuất mức thu phí kiểm định 50.000đồng/xe/năm kể từ năm 2022-2023.
Đề nghị thu phí kiểm định khí thải 50.000 đồng/xe/năm
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải cùng với các đơn vị phối hợp thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, kết hợp khảo sát ý kiến từ người dân. Kết quả cho thấy, đa số người dân đồng tình với triển khai kiểm định khí thải để giảm ô nhiễm, đồng thời giảm xe cá nhân góp phần giảm kẹt xe.
Tuy nhiên tại hội nghị, nhiều vấn đề như lộ trình thực hiện kiểm định, mức phí, đối tượng áp dụng… cũng được các đại biểu yêu cầu làm rõ, để đề án thực hiện hiệu quả.
Th.S Đinh Trọng Khang – Phó giám đốc Viện chuyên ngành môi trường Viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải – Nhóm nghiên cứu đề án cho biết: qua kiểm tra khí thải cho 10.682 xe máy, khảo sát 7.216 người dân, đồng thời lấy ý kiến của các Sở ngành, chuyên gia, nhóm nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện kiểm định theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn chuẩn bị (năm 2021): Xây dựng và ban hành chính sách, quy định, sẽ đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải.
Giai đoạn thử nghiệm (2022-2023): Hoàn thiện chính sách, kiểm tra toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu và thu phí 50.000 đồng/xe/năm. Xem xét miễn phí kiểm định cho người nghèo, cận nghèo… Trong thời gian này, bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải, áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên tuỳ vào quận, huyện.
Giai đoạn thực thi một phần (2024-2025): Đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, nâng mức tiêu chuẩn, mở rộng phạm vi, giám sát nghiêm khu vực quận 1,3,5,10…
Giai đoạn thực thi toàn phần (từ 2026 trở đi): nâng mức tiêu chuẩn khí thải, yêu cầu nghiêm ngặt tại 13 quận trung tâm, kiểm soát khí thải tất cả xe. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện đề án tới 2030 là 553 tỉ đồng.
Cần nghiên cứu kỹ càng hơn
Nhiều chuyên gia, đại diện các quận, huyện cho rằng đề án xây dựng là phù hợp, giúp bảo vệ môi trường, nhưng cũng cho rằng đề án còn nhiều điểm cần xem xét, nghiên cứu kỹ càng hơn.
PGS.TS Phạm Xuân Mai góp ý, mẫu thí điểm vừa qua còn quá ít. Để tăng tính tin cậy cho đề án, đề nghị đơn vị nghiên cứu cần nghiên cứu trên ít nhất từ 5-10% trên tổng 7 triệu xe máy đang lưu hành ở thành phố. Nói về giải pháp, lộ trình đề án đưa ra vẫn quá dài hơi và tốn kém.
Đồng tình, Luật sư Trương Thị Hoà đề xuất: Sở Giao thông Vận tải cần cung cấp thông tin cho người dân nắm rõ công tác triển khai trong những năm qua, ở các nước trên thế giới, tác dụng của kiểm định khí thải xe máy. Lộ trình cụ thể, chi tiết hơn nữa, bổ sung giải pháp đối với ô tô như thế nào? Bà cũng kiến nghị làm rõ cơ sở pháp lý, chính sách đối với người nghèo mà xe máy là phương tiện mưu sinh.
Tiếp thu những góp ý, thảo luận trên, ông Bùi Hoà An – phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải – cho biết, việc thí điểm kiểm định thời gian qua và hội nghị phản biện hôm nay chính là bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng đề án thí điểm kiểm định khí thải xe máy sắp tới.
Sở cùng các đơn vị nghiên cứu sẽ đưa ra lộ trình từng giai đoạn. Phạm vi áp dụng cũng sẽ mở rộng dần theo từng giai đoạn, đồng thời có chính sách đối với người nghèo.
“Chúng tôi chú trọng các giải pháp công nghệ thông minh nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, có cơ sở pháp lý, chế tài phù hợp. Mức phí kiểm định cũng sẽ được xem xét lại đảm bảo sau quá trình triển khai, môi trường sẽ được cải thiện ”, ông An nói.
Tổng hợp từ báo Tuổi trẻ
Để lại bình luận