Monu và Aamya sống ở một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhưng chỉ có một gia đình đủ tiền mua máy lọc không khí.
Chúng tôi đã đo mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí của 2 đứa trẻ trong một ngày để so sánh sự bất bình đẳng sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào.
Vào 7h sáng, Monu, 13 tuổi, vén chiếc màn và bò từ giường ra nền nhà đầy bụi. Bên ngoài mẹ em đang nấu bữa sáng bằng bếp lửa.
Cách đó vài dặm cũng ở New Delhi, thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, Aamya, 11 tuổi cuối cùng cũng chịu nghe lời dỗ dành của mẹ. Cô bé trèo ra khỏi giường bước xuống nhà, đi qua máy lọc không khí đang hiển thị mức độ ô nhiễm không khí với những con số nhấp nháy.
Không khí tương đối sạch ở căn hộ của Aamya ở Greater Kailash II, một trong những khu trung lưu của Delhi. Những chiếc cửa và cửa sổ vừa khít khiến cho ngôi nhà trở nên kín hơn, cùng ba chiếc máy lọc không khí đang kêu ro ro trong phòng giúp lọc các hạt nguy hiểm trong không khí.
Monu thì phải hít không khí độc hại hơn. Cậu bé sống trong một túp lều ở khu ổ chuột gần sông Yamuna, nơi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sáng nay, cậu bé ngồi ở lối vào nhà mình, uống trà sữa. Cậu là con trai thứ bảy trong chín người con và nhìn anh trai cậu ho và cuộn tròn bên bếp củi đắp bằng đất sét để giữ ấm.
Trong năm vừa qua, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến nhiều người Ấn Độ tử vong nhiều hơn bất cứ các yếu tố rủi ro khác, và Delhi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Ấn Độ. Nhưng gánh nặng này đang không được chia sẻ đồng đều.
Trẻ em trong những gia đình nghèo ở Delhi dành nhiều thời gian bên ngoài trời hơn. Các gia đình nghèo thường dùng bếp củi, và việc đó tạo ra bụi. Họ không có khả năng mua máy lọc không khí, đồ vật đã trở nên phổ biến ở những căn nhà trung lưu. Và họ thường không bận tâm về ô nhiễm không khí vì còn đang đối mặt với những nỗi lo khác như thiếu thức ăn.
Tiền có thể giúp một gia đình ít bị phơi nhiễm hơn với thứ ô nhiễm chết người ở Delhi – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Máy lọc không khí hay những ngôi nhà được đóng kín cũng chỉ có thể giúp được một phần. Tuy không thể ước tính một cách chính xác nhưng những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt như Aamya có thể bị giảm khoảng 1 năm tuổi thọ bởi thứ khí độc mà chúng hít phải. Và việc Aamya bị hen khiến cho bố mẹ cô bé đặc biệt lo lắng.
Cũng trong một ngày, Monu phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm gấp 4 lần Aamya. Về lâu dài, sự chênh lệch này có thể cướp đi 6 năm tuổi thọ của một người như Monu, nhiều hơn 5 năm nếu so sánh với những đứa trẻ ở tầng lớp trung lưu như Aamya.
Chúng tôi biết Monu bị phơi nhiễm với ô nhiễm nhiều hơn vì chúng tôi đã tiến hành đo.
Làm việc cùng nhóm nghiên cứu từ ILK Labs vào ngày 3 tháng 12 năm ngoái, nhóm phóng viên của tạp chí NYT đã theo dõi mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí của 2 đứa trẻ trong 1 ngày.
Khi Monu và Aamya đến trường như thường ngày, chúng tôi đã đo theo các em với máy quay và một thiết bị theo dõi ô nhiễm không khí nhằm đo lượng bụi mịn trong không khí mà các em hít thở tại một thời điểm nhất đinh. Được biết đến với tên gọi PM2.5, các hạt bụi này nhỏ, độc hại và đặc biệt nguy hiểm vì chúng có khả năng thâm nhập vào máu.
Monu và Aamya chưa bao giờ gặp nhau nhưng gia đình cả hai biết về nhau. Cha mẹ các em đồng ý tham gia vào báo cáo này khi chúng tôi giải thích chúng tôi có thể rút ra được gì thông qua việc nghiên cứu mức độ phơi nhiễm của trẻ em trong các môi trường khác nhau. Mẹ của Aamya nói rằng bà hy vọng việc này sẽ giúp tăng nhận thức về rủi ro sức khỏe nghiêm trọng mà những gia đình có ít điều kiện hơn đang gặp phải.
Chúng tôi có thể thấy sự khác biệt trong chất lượng không khí mà các em hít thở chỉ từ miếng lọc của thiết bị theo dõi ô nhiễm.
Ô nhiễm ở Delhi gần như có thể cảm nhận được qua các giác quan.
Bạn có thể thấy nó, đó là làn sương mù mịt trên phố. Bạn có thể ngửi thấy nó, như khi đốt lửa trại, và bạn có thể nếm nó bằng lưỡi. Nó có thể khiến mắt bạn cay, ngứa họng và đau đầu. Những hạt bụi mịn bay trong không khí có thể làm tăng nguy cơ bị máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Chúng có thể làm hư hại gan và não của bạn.
Một vài thành phần của bụi bao gồm các chất độc hại như asen và chì. Các thành phần khác có thể ít độc hại hơn khi đứng một mình, nhưng khi chúng gộp lại thì lại là một vấn đề khác. Với tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động thường xuyên diễn ra, các nhà khoa học đưa ra những nghiên cứu mới về các cách mà ô nhiễm không khí đang đe dọa đến cơ thể con người.
Ngay sau báo cáo này, đại dịch COVID 19 bùng nổ.
Mức độ ô nhiễm đã giảm mạnh vào mùa xuân trong thời gian Ấn độ thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tạo ra một cảnh hiếm hoi trong thành phố: bầu trời trong xanh. Buồn thay điều đó chỉ diễn ra rất ngắn. Ngay khi lệnh giãn cách bị dỡ bỏ vào mùa hè, ô nhiễm đã quay lại, và bây giờ khi mùa đông đến, ô nhiễm không khí ở Ấn độ một lần nữa chạm mức nguy hiểm.
Các bác sĩ lo lắng rằng tình trạng không khí độc hại sẽ khiến virus trở nên nguy hiểm hơn. Phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm cao gây viêm đường hô hấp, khiến cho con người dễ nhiễm các bệnh lây lan hơn.
“Chúng tôi đang thấy điều này xảy ra trước mắt” Tiến Sĩ Arvind Kumar, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và đồng thời là nhà sáng lập quỹ chăm sóc phổi ở New Delhi phát biểu. “Rất nhiều người ở các khu vực ngoại ô, nơi mật độ dân số và mức độ ô nhiễm rất cao phải đến bệnh viện”.
Đây là một lời nhắc nhở, rằng không phải ai cũng hít thở bầu không khí giống nhau.
“Người giàu có thể có máy lọc không khí với chất lượng tốt nhất,” TS. Kumar nói. “Còn người nghèo thì không.”
Ô nhiễm không khí mang màu xám vào buổi sáng khi chúng tôi lái xe đến nhà Monu và Aamya. Hệ thống đo đạc của chính phủ hiển thị mức độ bụi mịn ở mức 130 microgram/m3 – gấp 5 lần so với mức an toàn của tổ chức Y tế Thế giới. Nhưng những người dân địa phương lại nói rằng đó là một ngày có chất lượng không khí tốt. Điều này cũng dễ hiểu, vì những ngày ô nhiễm nhất ở đó năm vừa rồi có chỉ số còn tệ hơn gấp bốn lần.
Biểu đồ này cho thấy mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong một ngày của mỗi em. Aamya được thể hiện bởi đường màu vàng. Có sự biến đổi đột ngột khi cô bé đi ra ngoài và khi vào trong nhà với máy lọc không khí chạy cả ngày.
Đường của Monu là màu cam. Cả ngày cậu bé bị phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở mức độ cao hơn.
Sự khác biệt này có thể thấy rõ ràng nhất vào sáng sớm khi các em chuẩn bị đến trường.
Aamya và Monu đến trường trong làn sương khói mù mịt vào buổi sáng.
Monu đạp xe đến một trường học ngoài trời miễn phí dưới gầm cầu, cách nhà cậu khoảng 5 phút qua một con đường đầy bụi. Cậu bé thích các hoạt động thể chất và mong muốn trở thành một sĩ quan trong Quân đội Ấn Độ khi lớn lên.
Aamya cũng thích thể thao, nhưng cô bé lại muốn trở thành một nhạc sĩ. Cô bé được mẹ đưa đến trường trên chiếc xe Huyndai có máy điều hòa không khí của gia đình.
Aamya theo học trường tư thục Ardee, ngôi trường được biết đến với những nỗ lực bảo vệ học sinh khỏi ô nhiễm không khí. Học phí của trường rơi vào khoảng $6000 mỗi năm (Khoảng 139 triệu đồng).
Trường Ardee đăng các bài về ô nhiễm trên website của trường và trên bảng trong một tòa nhà, nơi treo cờ theo màu để thông báo chất lượng không khí. Khi chất lượng không khí quá xấu, học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang. Chỉ có một vài học sinh đeo khẩu trang khi chúng tôi ở đó vì ngày hôm đó chất lượng không khí không quá tệ.
Trường học của Monu miễn phí nhưng nó lại không có tường hay cửa. Đối với những học sinh ở đây, không khí bên ngoài chính là không khí bên trong. Các giáo viên tình nguyện cũng phải vật lộn để nói át đi tiếng các chuyến tàu điện cứ ầm ầm trên đầu mỗi 5 phút.
Mức độ tiếp xúc với ô nhiễm của Aamya tăng đột biến khi cô bé bước chân ra ngoài trời vào sáng hôm đó.
Nhưng nó đã lại giảm ngay khi cô bé bước vào trường.
Monu cũng tận hưởng không khí trong lành hơn khi cậu bé rời những đám khói từ việc đốt củi ở khu xóm của mình. Nhưng ở trường, mức độ tiếp xúc với ô nhiễm của cậu bé vẫn lớn hơn của Aamya.
Cả buổi sáng, trong khi Monu đang trong giờ học, ô tô và xe máy lao vút qua con đường cạnh trường, làm tung bụi và tắc nghẽn bầu không khí với khí thải. Trường học của Aamya có máy lọc không khí trong mỗi phòng, được liên kết với nhau thông qua một ứng dụng điện thoại mà ban giám hiệu giám sát liên tục.
Cả Monu và Aamya đều có vẻ bi quan.
“Con số sẽ tiếp tục tăng”, Monu nói. “Nếu hôm nay có 10 đứa trẻ bị ốmthì ngày mai con số sẽ là 20. Rất nhiều người bị ốm, và cha mẹ và bác sĩ của họ sẽ nói rằng nguyên nhân là do ô nhiễm.” Aamiya thì nghĩ rằng chính phủ đáng trách, và rằng một con người không thể làm giảm bớt được vấn đề này.
“Có rất nhiều cây cối nhưng lại không giúp được gì nhiều”, cô bé nói. “Giáo viên của cháu nói rằng chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Nhưng cháu không tin vào điều đó, bởi vì chúng ta cũng đã cố gắng rất nhiều rồi”.
Vào buổi chiều, sau khi ăn trưa ở nhà, Monu tới một trường học khác, việc mà cậu bé làm mỗi ngày trong tuần. Mức độ ô nhiễm ngoài trời bắt đầu giảm, giống như hầu hết các ngày khi giao thông buổi sáng thông thoáng hơn và gió chuyển hướng.
(Còn nữa)
Dịch: Thế hệ xanh
Link bài gốc: https://www.nytimes.com/interactive/2020/12/17/world/asia/india-pollution-inequality.html
Để lại bình luận