Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành chỉ thị tăng cường công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc đang có chiều hướng gia tăng về quy mô, mức độ, nhất là các thành phố lớn; triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 08/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; để phát triển nền kinh tế – xã hội theo hướng bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giữ vững danh hiệu “Thành phố xanh”, tỉnh cần có giải pháp, chế tài nhằm kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường không khí phát sinh do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động, hướng dẫn người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường. Tổ chức nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ, không xả rơm rạ bừa bãi xuống kênh tưới, tiêu thủy lợi; không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng cảnh quan và ô nhiễm môi trường.
Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh, khô. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.
Tăng cường công tác trồng cây xanh tại các khu vực đô thị, các tuyến đường chính, các tuyến đường, công viên các khu tái định cư, khu dân cư mới; vận động, huy động từ các nguồn xã hội hóa (bằng nhiều hình thức: tiền, cây xanh, ngày công,…) để trồng cây xanh dọc các tuyến đường, công viên thuộc phạm vi quản lý; khuyến khích trồng cây xanh tại các tuyến đường theo quy hoạch nhằm tạo cảnh quan, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và hạn chế việc lấn chiếm mặt bằng.
Yêu cầu Sở TN&MT tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó trọng tâm tuyên truyền liên quan đến việc bảo vệ môi trường không khí đã được nêu tại Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Tiếp tục triển khai tốt công tác quan trắc hiện trạng môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ đã được phê duyệt. Quản lý và thường xuyên giám sát các nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục.
Căn cứ quy hoạch mạng lưới quan trắc và tình hình thực hiện để đề xuất việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động liên tục để đảm bảo việc giám sát chất lượng môi trường không khí đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Không khí tại Huế luôn ở mức trong lành bậc nhất cả nước
Đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn; hướng dẫn các chủ nguồn thải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động theo đúng pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí theo quy định. Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đôn đốc, kiểm tra các chủ mỏ khai thác, vận chuyển khoáng sản (đặc biệt là mỏ đất san lấp, mỏ đá) thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát tán bụi trong quá trình khai thác, vận chuyển nguyên liệu ra vào khu vực mỏ (bố trí khu vực rửa xe, tưới nước tuyến đường ra vào mỏ…).
Yêu cầu Sở NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm hạn chế đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ và làm đất bằng máy cày lớn để phay, cày lật đất vùi hết rơm rạ vào trong đất, không để rơm rạ trôi nổi ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường.
Sở Xây dựng đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình,…)
Xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành các quy định về tiến độ, mật độ trồng cây xanh tại các công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng. Trong đó cần lưu ý đến các khu dân cư, khu tái định cư do cơ quan nhà nước đầu tư; các công trình, dự án do nhà đầu tư thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; định kỳ hàng quý, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh…
Theo Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường
Để lại bình luận