Ngày 15/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội và doanh nghiệp đối với 5 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về chất lượng môi trường và 3 QCVN về chất thải. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã chủ trì xây dựng và ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là căn cứ quan trọng để kiểm soát các hoạt động phát thải ra môi trường cũng như đánh giá chất lượng môi trường Việt Nam. Về mặt pháp lý, Luật BVMT năm 2014 đã có quy định hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, chất thải… Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu BVMT trong quá trình hội nhập quốc tế, với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, Luật BVMT năm 2020 cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, quy định nguyên tắc xây dựng, lộ trình áp dụng quy chuẩn. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng môi trường của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn và có một số thành phần cao hơn so với nhiều quốc gia khác.
Toàn cảnh Hội thảo
Để đảm bảo chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời, bảo đảm huy động mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp cho BVMT, Bộ TN&MT đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh, xây dựng dự thảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường và chất thải trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, khu vực cũng như thực tế triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở Việt Nam thời gian qua. Trong đó, Tổng cục Môi trường đã điều chỉnh, sửa đổi đối với 8 quy chuẩn, bao gồm 5 quy chuẩn chất lượng môi trường và 3 quy chuẩn về chất thải, gồm: QCVN về chất lượng môi trường nước mặt, nước biển, nước dưới đất; QCVN về chất lượng môi trường không khí xung quanh, QCVN về chất lượng môi trường đất, QCVN về khí thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi.
Theo dự thảo QCVN về chất lượng không khí xung quanh, giá trị giới hạn phát thải của SO2, NO2, CO, O3, bụi lơ lửng TSP, chì và giá trị giới hạn phát thải trung bình năm của PM10 vẫn được giữ nguyên. Giá trị phát thải PM10 trung bình 24 giờ, bụi PM2.5 được quy định chặt chẽ hơn quy chuẩn hiện hành là QCVN 05:2013/BTNMT. Cụ thể, giá trị phát thải PM10 24 giờ giảm từ 150 µg/m3 còn 100 µg/m3; giá trị giới hạn phát thải PM2.5 24 giờ giảm từ 50 µg/m3 xuống 35 µg/m3 và giá trị trung bình năm giảm từ 25 µg/m3 xuống 15 µg/m3. Các giá trị mới được áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Đối với quy chuẩn về phát thải khí công nghiệp đã có một sự thay đổi lớn. Các quy chuẩn khí thải hiện nay đang áp dụng riêng cho từng ngành công nghiệp như QCVN 22:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN 23:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng, QCVN 51:2013/BTNMT về khí thải công nghiệp sản xuất thép,… Tuy nhiên dự thảo QCVN về phát thải bụi, khí công nghiệp mới là quy chuẩn chung cho tất cả các ngành công nghiệp, giá trị giới hạn phát thải áp dụng cho từng loại thiết bị công nghệ nhưng nhìn chung các giá trị đều thấp hơn các quy chuẩn hiện hành.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban Soạn thảo sẽ tổng hợp, rà soát, chọn lọc, bổ sung để hoàn thiện Dự thảo các báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Dự thảo QCVN về chất lượng không khí xung quanh và khí thải công nghiệp, bạn đọc xem tại đây:
Duthao QCVN khi thai cong nghiep
Nhung Nguyễn
Theo Tạp chí môi trường
Để lại bình luận