Những trường học ở trung tâm Hà Nội bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn bên ngoài cao nhất, thậm chí trên mức nghiêm trọng – theo nghiên cứu mới của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bản đồ heatmap biểu thị ô nhiễm tiếng ồn theo thời gian thực tại các trường học ở Hà Nội trong khuôn khổ dự án nghiên cứu | Ảnh chụp màn hình ngày 21/5/2021, nguồn VSL.
Nhóm nghiên cứu Công nghệ giáo dục của Trường Đại học Giáo dục đã phát triển “Hệ thống cảnh báo ô nhiễm âm thanh tại các trường phổ thông theo thời gian thực” để ghi nhận chỉ số ô nhiễm tiếng ồn (PNI – pollution noise index).
Hệ thống này sử dụng các trạm cảm biến thu dữ liệu âm thanh ở trường học, kết nối với máy chủ thông qua Internet kết nối vạn vật (IoT) để đưa ra kết quả cường độ âm thanh (tính bằng decibel) và vị trí địa lý (GPS) của điểm đo. Dựa trên kho dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng nhữngbản đồ thực trạng ô nhiễm âm thanh trên toàn thành phố (bản đồ tĩnh) với nhiều độ phân giải và mục đích sử dụng khác nhau.
Đồng thời, họ cũng xây dựng một bản đồ heatmap (bản đồ động) trên webiste để biểu thị sự biến động của ô nhiễm âm thanh theo thời gian thực tại các điểm trường có đặt cảm biến thời gian thực.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tạo ứng dụng PNI trên điện thoại để người dùng có thể theo dõi thực trạng ô nhiễm âm thanh tại vị trí trường học xác định và nhận các thông tin cảnh báo nguy hiểm đến sức khỏe qua email hoặc tin nhắn.
Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt cảm biến và thử nghiệm hệ thống này tại 400 trường Tiểu học, THCS, THPT thuộc 5 khu vực dọc theo các tuyến đường chính, gồm: Khu vực Sóc Sơn – sân bay Nội Bài; Khu vực nội thành; Khu vực dọc Quốc lộ 1; Khu vực dọc Quốc lộ 6; Khu vực dọc Quốc lộ 32 trong tháng 12/2020. Ở mỗi trường, dữ liệu được ghi nhận thực tế bằng các trạm cảm biến âm thanh tại 3 địa điểm: cổng trường, sân trường/hành lang và trong lớp học.
Phần lớn các trường được lấy mẫu định kì tại các thời điểm: trước giờ vào lớp, trong thời gian học, giờ ra chơi, và lúc tan tầm. 46 trường có nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao được lắp trạm sensor có khả năng ghi nhận theo thời gian thực để liên tục truyền tín hiệu về máy chủ.
Kết quả, 100% các trường ở nội thành bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn từ môi trường bên ngoài (ENP) với mức độ ồn từ 55-85 decibel (dB), trong đó có trên 50% số trường có mức ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, tức trên 85 dB.
Cường độ âm thanh mà con người chịu được | Nguồn: fptshop
Để so sánh, ở Việt Nam, quy định giới hạn tiếng ồn đối với các khu vực đặc biệt (cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa …) không được vượt quá 55dB trong khoảng thời gian từ 6 giờ – 21 giờ mỗi ngày.
Theo các bác sĩ, tiếp xúc thường xuyên với âm thanh trên 70 db có thể gây nên các rối loạn về nhịp tim, huyết áp; tiếp xúc thường xuyên với âm thanh trên 85 (db) sẽ ảnh hưởng thính lực.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trong tương lai, họ có thể sẽ phát triển hệ thống này để ghi nhận thêm cả dữ liệu ô nhiễm không khí và ô nhiễm nhiệt (tức mức chênh lệch nhiệt độ dẫn tới hiện tượng shock nhiệt) ở các trường phổ thông, nhằm góp phần phát triển một môi trường giáo dục bền vững hơn.
Theo Báo Khoa học và Phát triển
Để lại bình luận