Khu vực lưu chứa tạm thời tro bay có diện tích chỉ khoảng 1.221m2, trong khi mỗi ngày, nhà máy đốt rác phát điện của Cần Thơ phát sinh từ 8 – 10 tấn tro bay, dẫn đến khu vực chứa bị quá tải từ tháng 5.2019.
Ngày 17/8, thông tin từ UBND TP.Cần Thơ cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc xử lý chất thải tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ.
Trước đó, Sở TNMT TP.Cần Thơ đã có Báo cáo gửi UBND TP về phương án xử lý tro bay tại nhà máy. Công trình này nằm trong khu xử lý chất thải rắn tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, có diện tích 53.531 m2, đi vào hoạt động từ ngày 26.11.2018, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt của nhà máy trung bình khoảng 500 tấn/ngày.
Nhà máy tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 6/9 quận huyện của Cần Thơ, sau đó xử lý theo hình thức đốt phát điện với công suất 7,5 MW. Nhà máy cũng đã hoàn thiện các công trình xử lý đạt chuẩn môi trường như: Hệ thống xử lý nước rỉ rác; Hệ thống xử lý bụi, khí thải của lò đốt; Hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải sau xử lý…
Đặc biệt, nhà máy có các công trình lưu giữ ổn định hóa rắn tro bay phát sinh từ hệ thống xử lý khí thải, có công suất thiết kế 40 tấn/ngày. Khu vực ổn định hóa tro bay có diện tích khoảng 234 m2, còn khu vực lưu chứa tạm thời tro bay có diện tích khoảng 1.221m2. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mỗi ngày phát sinh từ 8-10 tấn tro bay, dẫn đến khu vực chứa bị quá tải từ tháng 5.2019.
Trước tình hình đó, nhà máy cũng đã xin ý kiến thành phố để tạm tro bay phát sinh ra khu đất trống cạnh nhà máy, trong khi chờ được thành phố bố trí khu chôn lấp chất thải tro bay. Hiện tro bay đang để lộ thiên ngoài trời, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) đã đầu tư sử dụng hai lớp lót màng chống thấm và che nắng, mưa cho mặt đáy và mặt phủ bên trên. Tuy nhiên giải pháp này chỉ tạm thời, không đúng quy định. Vì theo quy định, tro bay được xem là chất thải nguy hại.
Theo Hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB và thành phố Cần Thơ (ủy quyền cho Sở Xây dựng ký kết); Cần Thơ chịu trách nhiệm tìm và cung cấp cho Công ty diện tích đất cần thiết làm bãi chôn lấp tro bay do Công ty vận chuyển tới. Sau đó, thành phố có trách nhiệm xử lý chôn lấp tro bay và chi trả các chi phí liên quan đến việc chôn lấp số tro bay này.
Sở TNMT đề nghị UBND TP giao Sở KHĐT phối hợp với Sở TNMT và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn tất thủ tục, kêu gọi lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay tại nhà máy. Trước mắt, nếu việc quản lý tro bay không hợp lý, xử lý không phù hợp sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Sở TNMT cũng đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương đấu thầu, lựa chọn các công ty có năng lực tham gia xử lý.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TNMT TP.Cần Thơ cho biết, tính đến nay đã có hơn 7.500 tấn tro bay phát sinh, tồn đọng. Việc kêu gọi nhà đầu tư là nhằm để xử lý, chôn lấp số tro bay này.
Qua xem xét báo cáo trên, UBND TP giao Sở KHĐT và Sở TNMT phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục để kêu gọi lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay. Trước mắt, UBND TP thống nhất về chủ trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có năng lực để thực hiện vận chuyển và xử lý số lượng tro bay hiện đang lưu trữ tạm tại Nhà máy.
Theo Báo Lao động
Để lại bình luận