Nhà máy của Atmosfair sẽ bắt đầu sản xuất 8 thùng (khoảng 1 tấn) dầu hỏa tổng hợp mỗi ngày từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, hiện Atmosfair không tiết lộ chi phí của dự án là bao nhiêu hay được ai tài trợ.
Ngày 4/10, tổ chức phi lợi nhuận Atmosfair đã khai trương nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất nhiên liệu máy bay có thể trung hòa khí thải carbon ở Emsland, miền Bắc nước Đức.
Theo kế hoạch, nhà máy của Atmosfair sẽ bắt đầu sản xuất 8 thùng (khoảng 1 tấn) dầu hỏa tổng hợp mỗi ngày từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, hiện Atmosfair không tiết lộ chi phí của dự án là bao nhiêu hay được ai tài trợ.
Dầu hỏa tổng hợp, còn được gọi là dầu hỏa điện tử hoặc năng lượng hóa lỏng (PtL), được coi là có tiềm năng rất lớn để giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không.
PtL cũng là một loại Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thể pha trộn với nhiên liệu máy bay thông thường để giảm lượng khí thải.
SAF chủ yếu là nhiên liệu sinh học được làm từ các nguyên liệu thô bền vững, như phế phẩm hoặc phụ phẩm nông nghiệp. Nhiên liệu này được coi là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn vì chúng có thể giảm tới 80% khí thải của nhiên liệu so với dầu hỏa hóa thạch.
Nhà máy của Atmosfair ở Emsland đặt mục tiêu sản xuất dầu PtL trung hòa carbon bằng cách kết hợp hydro được tạo ra từ điện tái tạo (từ các tuabin gió đặt gần đó) và carbon dioxide bền vững – thu được từ không khí và sinh khối (nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ sinh vật, thực vật).
Sau đó, sản phẩm sẽ được trộn với dầu hỏa thông thường, rồi được đưa đến Sân bay Hamburg để làm nhiên liệu cho các chuyến bay. Lufthansa là một trong những hãng hàng không của Đức sử dụng nhiên liệu này.
Về mặt kỹ thuật, các động cơ máy bay hiện tại có thể chạy bằng nhiên liệu bền vững lên tới 50%, nhưng trên thực tế chưa thể thực hiện được tại thời điểm này.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), sản lượng SAF hiện chiếm chỉ khoảng 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không tiêu thụ trên toàn cầu.
Trong nỗ lực nhằm nâng tỷ lệ sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, một số chính phủ đã đưa ra hạn ngạch cụ thể, như Đức muốn sử dụng 0,5% trong số 10 triệu tấn nhiên liệu mà ngành hàng không tiêu thụ mỗi năm là SAF vào năm 2026 và con số này sẽ tăng lên 2% (tương đương 200.000 tấn) vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đề xuất hạn ngạch 2% SAF từ năm 2025 và tăng lên 5% (trong đó có hạn ngạch phụ 0,7% dầu PtL) vào năm 2030. IATA cũng cam kết đạt mức phát thải CO2 “bằng không” vào năm 2050.
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze chỉ ra rằng để đáp ứng được những mục tiêu trên, cần phải tăng cường sản xuất PtL và điều này chỉ có ý nghĩa nếu năng lượng tái tạo được thúc đẩy song song.
Bộ trưởng Schulze khẳng định: “Nhiên liệu PtL chỉ phục vụ công tác bảo vệ khí hậu nếu sử dụng hydro xanh (tức là năng lượng không carbon). Đối với hydro xanh, chúng ta cần nhiều điện hơn từ các nguồn năng lượng tái tạo.”
Theo ông Schulze “công nghệ này đã có sẵn và hoạt động hiệu quả. Hiện nay nó tùy thuộc vào các doanh nghiệp sẽ đặt tỷ lệ bao nhiêu và hy vọng nhiều doanh nghiệp hưởng ứng kêu gọi này.”
Giám đốc điều hành (CEO), đồng thời là người sáng lập Dietrich Brockhagen, cho biết nhà máy Atmosfair tuy chỉ có quy mô nhỏ và chưa phải được thiết kế để hoạt động lâu dài, nhưng đây là bước đi đầu tiên ở Đức để thử nghiệm cũng như học hỏi công nghệ này.
Trưởng nhóm Nhiên liệu tái tạo tại Đại học Công nghệ Hamburg, ông Ulf Neuling, cũng cho biết Atmosfair là “một bước đi đúng hướng” nhằm thúc đẩy sản xuất nhiên liệu điện tử PtL cho hàng không cũng như bắt đầu ứng dụng thương mại.”
Ông Ulf Neuling nhấn mạnh rằng nếu Đức muốn giảm chi phí nhiên liệu PtL và mở rộng quy mô công nghệ, cần phải xây dựng các nhà máy lớn với công suất cao hơn trong tương lai gần./.
Theo Phương Hoa, Vietnamplus
Để lại bình luận