Tại một số địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề nhất là các làng nghề tái chế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Hàng ngày, vẫn còn nhiều người dân tại làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) sống mòn bên bãi thải của làng, nơi được coi là bãi chưa thất thải công nghiệp nguy hại. Chính quyền xã Văn Môn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để quây tôn, ngăn chặn tình trạng đổ trộm chất thải. Nhưng chỉ được một thời gian, bãi thải này lại ngày càng đầy hơn. Ước tính hơn 300.000 tấn xỉ nhôm, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý dứt điểm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, trong 450 cơ sở tái chế, cô đúc nhôm tại làng nghề thì hầu hết đều chưa có giấy phép về môi trường. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là lon bia hoặc vỏ chai có chứa nhôm được đưa vào lò nhiệt độ cao để cô đúc. Kết quả quan trắc gần đây cho thấy, hàm lượng chì, những chất độc hại trong môi trường không khí đều vượt quy chuẩn cho phép.
Chưa có một điều tra cũng như một khẳng định nào về nguy cơ ung thư tại các làng nghề tái chế tuy nhiên, những con số được khảo sát của cán bộ Bộ Y tế cho thấy số người chết hoặc mắc những bệnh ung thư phổi tại làng nghề này từ năm 2016 đến nay luôn cao một cách bất thường
Hơn 25 năm, từ khi làng nghề chỉ có vài cơ sở nhỏ, giờ có đến 1/2 số thôn trong xã trực tiếp tham gia sản xuất, cô đúc nhôm. Tình trạng ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống và cảnh quan của cả vùng.
Những bức xúc trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường ở làng nghề Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề, nhất là các làng nghề tái chế ở nước ta. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có trên 5.400 làng nghề.
Trong số này, có đến 47% số làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên. Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Nhiều làng nghề tái chế ở miền Bắc như Văn Môn ở Bắc Ninh, nhựa Minh Khai, chì Đông Mai ở Hưng Yên đã lọt vào danh sách làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại hầu hết các làng nghề, quá trình sản xuất diễn ra tự phát, thiết bị thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, hệ thống cấp thoát nước và mạng lưới giao thông xuống cấp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các doanh nghiệp còn hạn chế. Vì thế, một khi đã xảy ra ô nhiễm, ô nhiễm lại càng dai dẳng.
Ngày 22/3, UBND huyện Yên Phong đã tổ chức cưỡng chế 140 hộ dân ở làng đúc nhôm Mẫn Xá, Văn Môn lấn chiếm đất đai, xây dựng lán trại, nhà xưởng trái phép, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ, san lấp mặt bằng, hoàn trả phần đất bị lấn chiếm đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền vẫn đang loay đi tìm lời giải, đặc biệt việc xây dựng và thu hút các hộ dân ra cụm công nghiệp làng nghề tập trung – một trong những giải pháp để giải quyết ô nhiễm.
Cụm công nghiệp làng nghề Văn Môn được chủ đầu tư xây dựng từ năm 2016 với 400 lô đất nhưng đến giờ vẫn chưa bàn giao nghiệm thu cho các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh. Những doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động nhưng giấy phép về môi trường và công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư cũng chưa được xây dựng
Thực tế đã cho thấy, những vướng mắc trong thời gian qua trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề là bài toán không hề dễ tìm lời giải ở nhiều làng nghề trên cả nước. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ: Trách nhiệm chính giải quyết ô nhiễm môi trường là của chính quyền các địa phương. Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của chính các cơ sở làng nghề, không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Các làng nghề tái chế sẽ giúp phần nào tận dụng được các phế liệu, giải quyết được việc làm và có được nguồn thu nhập cho người dân nông thôn nhưng cái phải đánh đổi là quá lớn – sức khỏe của người dân và môi trường yên ả trong lành của làng quê. Nếu làng nghề không gắn với bảo vệ môi trường thì số tiền mà làng nghề kiếm về được chẳng thấm tháp vào đâu với số tiền người dân phải đi điều trị bệnh tật và trả lại sự trong sạch cho nguồn đất, nước và không khí.
Theo VTV