Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước.
Bên cạnh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn thì sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Theo đó, đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch đến tất cả các tổ chức, nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện; gắn nhiệm vụ triển khai với quá trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố về các chương trình công tác của Thành ủy nhằm giúp kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát các nguồn thải, chất thải nguy hại…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2017, Sở đã tham mưu, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tăng cường mạnh mẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý, phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới.
Sở đã rà soát đối với 315 làng nghề; đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động. Kết quả cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm 31%); 63 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 21,5%). Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm; dệt; nhuộm; tái chế, gia công cơ kim khí…
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm chu kỳ lần hai đối với các làng nghề đã tiến hành giai đoạn 2017 – 2020, tập trung vào các làng nghề đã được công nhận, làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường được duyệt và làng nghề chưa bảo đảm môi trường theo quy định. Đây chính là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý môi trường làng nghề; là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố cũng như công bố thông tin về hiện trạng môi trường làng nghề, danh mục làng nghề bị ô nhiễm môi trường cần xử lý giai đoạn 2020 – 2030 theo yêu cầu của Đề án bảo vệ môi trường đã được duyệt.
Sở cũng nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố ban hành quy định đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm tại làng nghề để thực hiện theo phân cấp, tránh trùng lặp giữa các cấp, gây lãng phí ngân sách.
Theo TTXVN