Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 13/4, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường…
Cùng với xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hoá thạch khác), Chính phủ sẽ thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, xe dùng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn được đẩy nhanh tiến độ. Phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị sẽ bị hạn chế.
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát khí thải xe cơ giới; hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu được nâng cao; phát triển và ứng dụng rộng nhiên liệu sinh học, sạch, thân thiện môi trường.
Cùng với đó, các đô thị lớn mở rộng diện tích công viên, cây xanh; giảm ô nhiễm tiếng ồn; cải thiện chất lượng không khí. Việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ven đô sẽ bị kiểm soát và loại bỏ bếp than tổ ong dùng trong sinh hoạt ở đô thị. Chính phủ khuyến khích các địa phương, đặc biệt Hà Nội, TP HCM áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt hơn quy chuẩn môi trường quốc gia…
Tháng 1/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng; xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc tự nhiên như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên… được hình thành qua hàng triệu năm. Việc đốt cháy nhiên liệu hoá thạch để giải phóng năng lượng đồng thời thải ra khí CO2 và các chất ô nhiễm khác vào không khí, dẫn đến tác động tiêu cực cho bầu khí quyển, tạo ra hiệu ứng nhà kính và hiệu ứng nóng lên toàn cầu.
Theo VN Express