Từ khi bãi thải của mỏ than Khánh Hoà hình thành cũng là từng đó thời gian, người dân xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) phải sống chung với bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nước. Nhưng nguy cơ núi đá thải cao trăm mét tràn xuống nuốt chửng khu dân cư bất cứ lúc nào mới là điều đáng sợ nhất.
Ô nhiễm môi trường
Ngày 10.5, có mặt trực tiếp tại xóm 13, xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên), PV nhận thấy một bầu không khí ngột ngạt, u tối bao trùm. Cũng dễ hiểu khi cả khu cân cư có 18 hộ dân nằm thọt lỏm dưới bãi đất đá thải cao cả trăm mét.
Năm 2010, khi Công ty Than Khánh Hoà – VVMI (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV – CTCP) mở rộng bãi đổ thải về phía xóm 13, những hệ luỵ môi trường gây ra cho người dân cũng từ đó mà nhiều thêm.
Ông Phạm Ngọc Thanh (68 tuổi, trú tại xóm 13) – một trong những người nhiều năm qua vẫn miệt mài mang đơn đi kêu cứu, đòi quyền lợi cho người dân tại đây cho biết, cả xóm bị ảnh hưởng nhưng nặng nề nhất vẫn là 18 hộ dân ngay sát chân bãi thải này.
Theo ông Thanh, người dân ở đây vẫn đang phải sống chung với thảm cảnh nắng thì bụi bặm, mưa thì dòng nước đen ngòm từ bãi đá thải chảy xuống xối thẳng vào khu dân cư. Kéo theo đó là nguồn nước ngầm sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm trầm trọng.
Trong nỗi bức xúc kèm sự bất lực, ông Thanh chỉ biết than thở: “Khổ vô cùng các cháu ơi, tối hôm qua vừa mưa nên bây giờ nhìn còn sạch sẽ được chút đấy chứ bình thường bụi phủ đen hết sân nhà, cây cối. Xe tải cả trăm tấn chạy rầm rầm trên đầu suốt ngày đêm”.
Còn bà Đặng Thị Mai (xóm 13) cho biết, mùa khô thì không có nước, còn mùa mưa thì gần như không thể dùng được bởi các chất bẩn từ bãi thải ngấm xuống đất. Trong khi cả xóm chỉ trông chờ vào nguồn nước ngầm, nước giếng khơi.
Để chứng minh cho lời nói của mình, bà Mai chỉ PV xem chân đứa cháu hơn 2 tuổi chằng chịt các vết ngứa mẩn đỏ: “Đây này, các chú nhìn xem, da trẻ con nhạy cảm nên dùng nguồn nước bị ô nhiễm thì ngứa ngáy, sưng tấy. Nhà nào cũng phải mua lọc nước về sử dụng nhưng cũng chẳng ăn thua”.
Sống trong sợ hãi
Sống chung với ô nhiễm đã đành nhưng thứ đáng sợ nhất đối với hàng trăm con người của xóm 13 vẫn là bãi đá thải khổng lồ cứ ngày một cao dần đang treo lơ lửng trên đầu với nguy cơ có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.
Ở xóm 13, nhà nào gần thì cách bãi thải của mỏ than Khánh Hoà chỉ bằng một con đường bê tông 2m, nhà nào xa lắm thì cũng chỉ hơn 100m. Đã có những thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên cùng bãi thải này.
Căn nhà của bà Hoàng Thị Đào và ông Hoàng Văn Năm chỉ cách núi bãi thải có vài chục mét. Ở cái tuổi đã ngoài 60, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhưng họ vẫn ngày đêm bất an khi không biết khi nào cả triệu khối đất đá kia sẽ tràn xuống.
Ngước nhìn lên phía núi thải, ông Năm lo lắng: “Đêm nào mà mưa to thì không dám ngủ, chỉ sợ nhỡ may đất đá từ bãi thải tràn xuống vùi lấp nhà không chạy kịp. Sáng dậy thấy nhà vườn còn nguyên, núi thải vẫn đó thì mới yên tâm”.
Bà Đào dẫn PV ra xem bức tường gạch quanh nhà mới gia cố lại vài năm trước: “Bức tường mỏng manh này thì lỡ đất đá có ụp xuống thì chống sao nổi, nói thật ban ngày còn biết mà chạy chứ đêm hôm thì chắc chịu chết. Cả chục hộ dân không ai dám nghĩ đến chuyện lâu dài khi sống dưới núi bãi thải này”.
Trong câu chuyện với PV, các hộ dân xóm 13 luôn nhắc về vụ sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, Đại Từ) đầu năm 2012 khiến nhiều người chết và vùi lấp hàng chục ngôi nhà. Họ lo lắng cho tính mạng và tương lai của con em mình.
Phản ánh của người dân là có cơ sở
Ngày 10.5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Nhất – Chủ tịch UBND xã Phúc Hà xác nhận, chính quyền xã nhận được nhiều phản ánh của người dân xóm 13 về tình trạng ô nhiễm và nguy cơ sạt lở bãi thải cả bằng đơn thư và ý kiến qua TXCT.
Xã đã có những cuộc làm việc với Công ty than Khánh Hoà, báo cáo lên UBND TP. Thái Nguyên, sở TNMT, HĐND và một số cơ quan khác về tình trạng này.
Ông Nhất khẳng định: “Kiến nghị của người dân hoàn toàn chính đáng, bởi bụi, tiếng ồn và nước ô nhiễm là có thể nhìn thấy được nhưng mức độ tới đâu, có vượt ngưỡng hay không thì phải do cơ quan chức năng xác định”.
Nói về nguy cơ sạt lở tại xóm 13, vị lãnh đạo xã Phúc Hà cho rằng: “Những lo lắng, bất an của người dân là có căn cứ bởi nhìn từ vụ sạt mỏ Phấn Mễ, nếu bãi thải Khánh Hoà mà xảy ra sạt thì hậu quả sẽ rất ghê gớm. Tuy nhiên, nguy cơ đến đâu thì vẫn cần có đánh giá của cơ quan chuyên môn”.
Nguồn Báo Lao động