Trong quá trình tìm hiểu về các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Biên Hoà và dọc theo Quốc lộ 51, phóng viên đã phát hiện và ghi nhận nhiều điểm tập kết nguyên vật liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn hai phường Tam Phước và Phước Tân (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai).
Việc các phương tiện chuyên chở, tập kết ngày đêm khiến không khí xung quanh khu vực này luôn ngập tràn khói bụi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng như gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ vậy, những cơ sở này còn thường xuyên tiến hành bơm nước sông Buông lên để rửa đất đá, rồi lại xả ngược lại xuống lòng sông, gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian dài.
Qua tìm hiểu, nhiều đơn vị báo chí và các cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng trên nhưng đến nay địa phương vẫn không giải quyết được triệt để. Trong nhiều năm nay, dọc theo các con đường chuyên dụng phục vụ trong các mỏ nguyên vật liệu xây dựng nằm trên địa bàn hai phường trên, có hàng chục điểm tập kết cát, đá. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải chở nguyên vật liệu khai thác từ các mỏ đá ghé tới đổ xuống để bơm rửa, rồi lại vận chuyển đi. Việc này khiến cho tình trạng khói bụi luôn bao trùm trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân xung quanh. Các phương tiện tải trọng lớn kéo thành hàng tập kết lại, đồng loạt xả khí thải khiến bầu không khí luôn ngột ngạt, độc hại.
Không chỉ vậy, các điểm tập kết này được xây dựng dọc theo ven hai bên bờ sông Buông, thường xuyên rửa cát, đá sau đó xả nước thải xuống sông, khiến khúc sông này đóng một lớp bùn dày, luôn trong tình trạng đục ngầu và đặc quánh trước khi đổ ra sông Đồng Nai ở đoạn cuối nguồn. Theo người dân địa phương, nước sông Buông trước đây rất sạch và trong, thậm chí có thể dùng trong sinh hoạt. Từ khi các cơ sở này hoạt động bơm rửa, dòng sông ngày càng bị ô nhiễm nặng, khiến người dân không dám sử dụng để tưới tiêu, thậm chí còn phải tránh xa vì nước sông bốc mùi khó chịu.
Anh P.V.T, người dân sinh sống trên địa bàn phường Phước Tân cho biết: “Mỗi ngày cả trăm chuyến xe tải kéo đến mấy điểm tập kết này đổ cát, đổ đá làm không khí ở đây lúc nào cũng ngập trong khói bụi, ô nhiễm môi trường thì chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy được. Chính quyền địa phương bao gồm cả phường và thành phố đều đã nhiều lần tiến hành các đợt kiểm tra, xử phạt nhưng rồi đâu vẫn vào đó. Nguyện vọng chung của người dân khu vực này là các cơ quan chức năng phải triệt để hơn trong việc xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng trên trước khi nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra.”
Ngoài ra, phóng viên cũng ghi nhận được trên địa bàn phường Tam Phước có một cơ sở sản xuất gạch thủ công với công suất lớn, xả khói bụi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Vào năm 2010, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế. Ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Đồng Nai họp bàn về lộ trình xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, qua đó thống nhất chậm nhất trong năm 2018 toàn tỉnh phải giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho tới nay, lò gạch Ánh Hồng (tên cơ sở) vẫn ngang nhiên hoạt động.
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có buổi làm việc tại UBND phường Tam Phước. Ông Nguyễn Trí Tân – Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước cho biết lò gạch Ánh Hồng là cơ sở sản xuất gạch thủ công không được cấp giấy phép. Phường Tam Phước đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng cơ sở này vẫn tiếp tục lén lút hoạt động. Đối với trường hợp này, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra để xử lý dứt điểm. Còn trong vấn đề về các điểm tập kết nguyên vật liệu gây ô nhiễm, ông Tân cho biết hiện tại phường chưa có Chủ tịch, phía địa phương chưa nắm rõ tình hình cũng như vị trí các “điểm đen” này, và sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát cũng như đánh giá.
Ông Trần Thế Biên – Chủ tịch UBND phường Phước Tân thì cho biết, đối với những cơ sở rửa cát, đá gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương đã nhiều lần xử phạt hành chính, yêu cầu ngưng hoạt động để khắc phục hậu quả. Chỉ tính riêng năm 2021, UBND phường Phước Tân ghi nhận trên địa bàn có 11 cơ sở, công ty tập kết đất, cát, rửa cát, xay đá và kinh doanh vật liệu xây dựng có hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phường đã đề xuất xử phạt 09 trường hợp, 07 trường hợp ngừng hoạt động và di dời toàn bộ máy móc, thiết bị, 04 trường hợp cam kết không xả thải, thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn theo đánh giá tác động môi trường, đồng thời báo cáo lên UBND thành phố Biên Hoà để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo ông Biên, tình trạng này tồn tại đã nhiều năm và thường xuyên được phản ánh. Các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng này đều không thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường, còn giấy phép kinh doanh thì “chỗ có chỗ không”. Các cơ sở này còn thường xuyên sang nhượng, đổi chủ khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Phường cũng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng khung phạt còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe khiến cho việc xử lý chưa triệt để. Trong thời gian tới, phường Phước Tân sẽ tiếp tục kiến nghị lên UBND thành phố Biên Hoà, yêu cầu tăng cường vai trò của địa phương, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát để sớm khắc phục tình trạng trên.
Trong bối cảnh các hình thức xử lý của địa phương chưa đủ triệt để, các cơ quan chức năng của thành phố Biên Hoà và tỉnh Đồng Nai cần sớm vào cuộc, thắt chặt quản lý, cũng như có những biện pháp cứng rắn hơn trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm, thực hiện những đánh giá môi trường cụ thể hơn để đưa ra các phương án bảo vệ môi trường trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Theo VTV