Mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải. Đa phần trong số này được sử dụng công nghệ chôn lấp. Hiện chỉ có một số địa phương thí điểm phân loại rác thải tại nguồn hoặc áp dụng công nghệ đốt rác phát điện hay chế biến thành phân vi sinh. Số còn lại được các địa phương sử dụng lò đốt công suất nhỏ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hơn 1 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được tập kết về lò đốt rác thủ công. Từ rác vô cơ như túi nylon, đồ nhựa đến rác hữu cơ như các loại thức ăn thừa, tất cả được trộn vào một túi. Độ ẩm cao khiến lò đốt rác không thể hoạt động. Vì vậy, để có thể đốt rác, các công nhân ở đây phải phân loại rác.
Lò đốt có công suất 5 tấn/ngày đêm, nhỏ hơn so với lò đốt được Bộ Tài Nguyên – Môi trường từng khuyến cáo các địa phương về nguy cơ gây ô nhiễm.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, các lò đốt này có khả năng sinh ra khi dioxin và furan trong quá trình đốt rác, những chất này khá độc với sức khỏe con người và không thể nhìn thấy được.
Ngân sách dành cho xử lý rác của toàn huyện một năm chỉ hơn 800 triệu đồng. Vì vậy, rất khó khăn khi triển khai xây dựng một lò đốt rác mới đủ tiêu chuẩn về khí thải. Hiện các địa phương miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai vẫn phải chấp nhận sử dụng các lò đốt công suất nhỏ để đốt rác liên xã hoặc liên huyện.
Cả nước hiện có hơn 200 lò đốt rác, đa số là những lò có công suất nhỏ, xử lý 5-10 tấn rác/ngày. Mặc dù biết các lò đốt rác này có khả năng gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nhưng các tỉnh, thành miền núi hiện chưa có giải pháp xử lý rác thay thế, do hạn chế cả về công nghệ và kinh phí lắp đặt, vận hành các nhà máy đốt rác quy mô lớn hơn.
Theo VTV