Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ), việc phân hủy rác thải thải thực phẩm đang thải ra hàng nghìn tấn khí mêtan tại các bãi rác ở Buenos Aires (Argentina), Delhi và Mumbai (Ấn Độ) và Lahore (Pakistan).
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, với khoảng 570 triệu tấn khí nhà kính thải ra hàng năm từ các quá trình công nghiệp và tự nhiên, nồng độ khí metan trong khí quyển đang tăng với tốc độ kỷ lục.
Ở một số quốc gia, nguồn phát thải khí mêtan lớn nhất là từ ruộng nông nghiệp và động vật trang trại – đặc biệt là bò nhưng cũng có cả gia súc và gà. Tại Mỹ, ngành dầu khí chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, rác thải là một nguồn phát thải lớn khác về khí mêtan trên toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học đã xem xét kỹ hơn để xác định các nguồn phát thải cho biết, dữ liệu từ một máy dò gắn trên vệ tinh cho thấy nồng độ khí mêtan cao ở các thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Argentina.
Các hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao được chụp vào năm 2020 cho thấy khí mê-tan từ các bãi chôn lấp rác ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các thành phố New Delhi và Mumbai của Ấn Độ và thành phố Lahore lớn thứ hai của Pakistan. Trong đó, theo kết quả nghiên cứu, một bãi rác ở Mumbai thải ra khoảng 9,8 tấn mêtan mỗi giờ, tương đương 85.000 tấn mỗi năm. Bãi rác Buenos Aires thải ra khoảng 250.000 tấn hàng năm – tương đương 50% tổng lượng khí metan của thành phố.
Đồng tác giả Joannes Maasakkers, nhà khoa học môi trường tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hà Lan cho biết, những quan sát này có thể cho chúng ta biết nơi phát thải khí mêtan lớn và nơi có thể tiến hành giảm thiểu lượng khí này. Các bước giảm thiểu có thể bao gồm ủ thực phẩm hoặc thu giữ khí mêtan để làm khí sinh học.
Theo ông Maasakkers, trong khoảng thời gian 20 năm, mêtan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2, do đó, việc giảm phát thải khí mêtan hiện nay có thể tác động nhanh chóng đến biến đổi khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới, rác thải từ bãi chôn lấp – chịu trách nhiệm cho khoảng 11% lượng khí mêtan toàn cầu – dự kiến sẽ tăng khoảng 70% vào năm 2050 khi dân số toàn cầu tiếp tục tăng lên.
Trước đây, ước tính lượng khí thải từ bãi rác được thực hiện dựa trên khối lượng rác và tốc độ phân hủy giả định.
Bà Jean Bogner, nhà khoa học môi trường của Đại học Illinois (Chicago), không tham gia vào nghiên cứu cho biết, công nghệ vệ tinh là một động lực thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu giảm lượng khí thải. Cách tiếp cận mới này giúp nắm bắt đầy đủ lượng khí thải cụ thể tại địa điểm, lượng khí thải đối với các bãi chôn lấp có thể khác nhau tùy theo mức độ, tùy thuộc vào mọi thứ từ điều kiện đất đai đến việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu.