Nghĩa địa, bãi rác công cộng bên cạnh trường học, khu dân cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường học đường và sinh sống của người dân tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Nặng mùi ô nhiễm
Xã Sông Lũy nằm ở phía nam của huyện Bắc Bình, có dân số 2.131 hộ/8.267 khẩu với 6 thôn, trong đó có thôn Hòa Bình nằm trên tuyến đường Sông Lũy – Phan Tiến. Đây là thôn được xem ô nhiễm môi trường nặng nề nhất xã Sông Lũy, thậm chí là nhất huyện, với nghĩa địa chôn cất người quá cố rộng 6 ha, bên cạnh còn có bãi rác công cộng, chứa đựng tất cả các loại rác thải của các xã, thị trấn phía nam huyện, do Ban Quản lý công trình công cộng huyện quản lý. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh, khu dân cư phình to, trường học, nhà văn hóa thôn xây mới ở đây. Từ đó môi trường bị ảnh hưởng ô nhiễm không khí nặng nề, nhất là Trường THCS và Trường mầm non Sông Lũy bên cạnh nghĩa địa và bãi rác. “Ở chỗ khu vực Trường THCS Sông Lũy, rác gây ô nhiễm môi trường kinh khủng quá!”, anh Nguyễn Xuân Vinh, một công dân thị trấn Lương Sơn gọi điện thông tin đến chúng tôi.
Đó là phản ánh của người dân địa phương khác. Khi đi sâu tìm hiểu chúng tôi mới thấy hết sự chịu đựng của người dân trực tiếp sinh sống và học tập ở đây. Em A.T – học sinh lớp 8, Trường THCS Sông Lũy nói khi đang trực lớp: “Người ta đốt rác gió bay vào trường hôi thối. Có hôm em đi học sớm khói bay mù mịt trường”. Ngoài ô nhiễm rác thải, thì tiếng trống đưa tang đến nghĩa địa, nơi cách cổng trường hơn 20m (trường bên này đường, nghĩa địa bên kia đường), làm cho học sinh cứ ngỡ trống trường báo giờ ra chơi. Người dân ngày càng chôn cất người quá cố gần mặt đường, vì bên trong nghĩa địa không còn đất chôn, khiến không khí thêm nặng mùi hơn. Một giáo viên Trường THCS Sông Lũy thừa nhận, đúng là khu vực này ô nhiễm, rác thải từ bãi rác công cộng, từ đám tang, từ người dân quăng xuống bay tứ tung. Hoạt động đốt rác ở bãi rác, khói bay vào trường… sáng ra đến trường mở cửa phòng học nghe rất hôi. Thầy Phạm Xứng – nguyên Hiệu trưởng của Trường THCS Sông Lũy khi còn làm việc, thầy đã có kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần về vấn đề ô nhiễm này.
Kiến nghị di dời
“Tôi đã từng ý kiến nhiều lần với chính quyền địa phương, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết, ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường học tập và giảng dạy của thầy cô và con em trong xã”, thầy Phạm Xứng, người vừa bàn giao công việc cho người kế nhiệm nói. Những kiến nghị của thầy Xứng không phải duy nhất mà nhiều cử tri, ngay cả lãnh đạo xã Sông Lũy cũng mong tỉnh, huyện quan tâm sớm di dời bãi rác đi nơi khác vì dân số của xã ngày càng phát triển, cần mở rộng khu dân cư. Đặt bãi rác ở vị trí hiện tại không còn phù hợp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, học tập, làm việc của người dân cũng như con em trong xã.
“Vấn đề ô nhiễm liên quan đến bãi rác, chúng tôi đã kiến nghị với huyện xem xét. Hiện tại huyện đang tìm vị trí đất để di dời, trước mắt cứ tập kết rác về bãi rác nếu thấy đầy bãi chúng tôi gọi điện báo cho Ban Quản lý công trình công cộng đến xử lý. Hiện đã có quỹ đất khoảng 4 ha di dời nghĩa địa. Sau này nghĩa địa sẽ không ở đó mà di dời đi chỗ khác” – ông Nguyễn Lê Thái Dũng – Chủ tịch UBND xã Sông Lũy cho biết. Ông cũng mong muốn trong thời gian chưa di dời bãi rác, Ban Quản lý công trình công cộng tăng cường xử lý rác thải tại bãi rác để môi trường ở đây thông thoáng và mỹ quan khu vực sạch đẹp.
Theo Báo Bình Thuận