Ngày 26/10, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất các giới hạn pháp lý chặt chẽ hơn đối với không khí ô nhiễm gây hại cho sức khỏe và các quy định buộc các công ty dược phẩm phải trả tiền để làm sạch nước thải gây ô nhiễm.
Ông Virginijus Sinkevičius, Ủy viên châu Âu về Môi trường cho biết: “Ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe của chúng ta. Ô nhiễm không khí tác động ngày càng tồi tệ hơn đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, những người mắc một số vấn đề về sức khỏe”.
Theo ông Sinkevičius, Ủy ban Châu Âu sẽ đề xuất 3 luật nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và nước gây hại cho sức khỏe và môi trường. Trong số đó, có yêu cầu đến năm 2030, các nước EU phải đáp ứng các giới hạn ô nhiễm không khí mới có tính ràng buộc pháp lý của EU, gần hơn với các khuyến nghị nghiêm ngặt hơn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO đã thắt chặt các hướng dẫn về chất lượng không khí vào năm ngoái, với hy vọng thúc đẩy các quốc gia hướng tới năng lượng sạch và ngăn ngừa tử vong do không khí ô nhiễm gây ra.
Tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm không khí, như bụi mịn từ công nghiệp và nitơ điôxít từ giao thông, có thể gây ra bệnh tiểu đường, bệnh phổi và ung thư. Ô nhiễm không khí gây ra 300.000 ca tử vong sớm ở châu Âu mỗi năm. Ông Sinkevicius cho biết, các quy định thắt chặt hơn của EU có thể giảm 70% số ca tử vong như vậy trong 10 năm tới.
Tuy vậy, ông Sinkevicius không công bố cụ thể các giới hạn mới của EU. Sau khi các giới hạn này được đề xuất, các nước EU và Nghị viện châu Âu phải đàm phán và thông qua.
Chất lượng không khí của châu Âu đã được cải thiện trong thập kỷ qua, nhưng nhiều quốc gia vẫn vi phạm các giới hạn hiện tại của EU.
Ông Sinkevicius cho biết, các quy định mới của EU cũng sẽ đảm bảo rằng công dân có thể yêu cầu bồi thường nếu sức khỏe của họ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí bất hợp pháp.
Một đề xuất khác sẽ khiến các công ty chịu trách nhiệm về một phần chi phí làm sạch ô nhiễm mà sản phẩm của họ thải vào nước thải trên khắp EU – một động thái tập trung vào ngành dược phẩm và mỹ phẩm.
Theo Reuters