Theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 8-11 nhiều tỉnh, thành phố có chất lượng không khí đo được ở mức xấu.
Cơ quan chức năng khuyến cáo chất lượng không khí ở mức xấu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe những người bình thường, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.
Ghi nhận cho thấy đây là ngày thứ 3 liên tiếp nhiều tỉnh, thành phố xảy ra ô nhiễm không khí ở mức xấu.
Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc cho biết chất lượng không khí đo tại số 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) sáng cùng ngày ở mức xấu, chỉ số chất lượng không khí AQI tính theo PM2.5 (bụi mịn) ở mức 152.
Chỉ số chất lượng không khí đo được ở mức xấu còn có ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương. Cụ thể, đo tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) chỉ số AQI ở mức 153, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) chỉ số AQI ở mức 198 và tại trạm y tế Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương) AQI ở mức 159.
Đáng chú ý đến 14h tại trạm y tế Duy Tân chỉ số AQI không giảm mà đã tăng lên ở mức 173.
Theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, AQI từ 151-200 là chất lượng không khí ở mức xấu, AQI từ 201-300 mức rất xấu và AQI từ 301-500 là chất lượng không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho biết một trong các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí những ngày qua là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa ở miền Bắc. Bên cạnh đó là các nguồn phát thải đến từ các hoạt động như: giao thông, xây dựng, xả thải ở khu công nghiệp, làng nghề… Cộng với điều kiện khí tượng bất lợi khiến cho khí thải ở sát mặt đất không khuếch tán được lên tầng khí quyển cao hơn.
Trước đó, tháng 4-2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 1137 về tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Theo UBND TP Hà Nội, ban hành văn bản số 1137 nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Trong khi đó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã nhiều lần khuyến cáo người dân hạn chế đốt rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong để tránh gây ô nhiễm môi trường không khí.
Nhung Nguyễn tổng hợp