Khối lượng lớn tro bay này đang chất đống trước nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ, nhà máy đầu tiên trên cả nước sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.
Điều đáng nói là nhà máy này đã hoạt động được 4 năm nhưng hiện vẫn chưa có cách nào để xử lý lượng tro bay.
11.000 tấn tro bay đang được phủ bạt nằm lộ thiên mà chưa biết phải xử lý ra sao. Đây đang là câu chuyện nan giải của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ và chính quyền thành phố này.
Trong quá trình đốt rác phát điện sẽ phát sinh hai loại phụ phẩm. Thứ nhất là tro xỉ ở đáy lò, được tận dụng để làm phụ phẩm xây dựng, san lấp mặt bằng… nên ra đến đâu là được thu gom xử lý hết đến đấy.
Loại phụ phẩm thứ hai là tro bay. Đây là các loại bụi thu được trong quá trình xử lý khói thải. Tro bay cuốn theo khí thải đi vào hệ thống xử lý khí thải, được phun vôi bột và than hoạt tính dạng bột để hấp phụ thủy ngân, tiền chất dioxin và được thu gom tại hệ thống lọc bụi (lọc bụi túi hoặc lọc bũi tĩnh điện). Tuy nhiên, loại phụ phẩm này hiện chưa được các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam xác định là chất thải nguy hại, chất thải có kiểm soát hay chất thải thường nên chưa có hướng xử lý.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ mỗi ngày phát sinh khoảng 7 tấn tro bay. Sau 4 năm hoạt động đã tồn dư khoảng 11.000 tấn. Trong khi theo hợp đồng, nhà máy này sẽ còn hoạt động ít nhất 16 năm nữa.
Theo VTV