Suốt thời gian qua, hàng chục hộ dân tại thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) luôn sống trong tiếng gầm rú của binh đoàn xe tải và bụi bặm bay mù mịt bám từ ngõ vào tới trong nhà, vào cả nước sinh hoạt; giờ giấc sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn từ quá trình hoạt động khai thác đất của Cty cổ phần XD & khai thác khoáng sản Đức Toàn tại địa phương.
Tác động môi trường từ ô nhiễm không khí.
Không khí là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng đối với con người, không khí bị ô nhiễm sẽ làm cho con người phải hít phải các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển khoáng sản (Đất). Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới đến nền kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của con người.
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Theo công bố năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Doanh nghiệp có xem nhẹ môi trường và sức khỏe người dân?
Song các hoạt động khai thác cho đến khâu vận chuyển của Cty Đức Toàn đang đi ngược lại với cam kết, chưa thực hiện đúng các nội dung trong kế hoạch bảo vệ môi trường. Từ thực tế mà phóng viên Môi trường Xây Dựng (MTXD) ghi nhận: Đoạn ngã 3 giao lộ với đường QL15A (Dốc bồ bồ) băng qua khu dân cư chạy thẳng vào khu vực mỏ, tại đây nhiều tấm nắp bê tông đậy mương bị gãy và bật lên do xe tải chở đất tác động, cũng tại điểm này xuất hiện một ổ gà có bán kính gần 2m, chiều sâu khoảng 15cm. Sự xuất hiện của những hố tử thần này cũng là nguồn cơ gia tăng tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người đi xe máy là có.
Tiếp đó, dọc hai bên đường đoạn qua khu dân cư, tình trạng bụi bám dày đặc từ hai hàng cây cho đến vách nhà, thậm chí bụi còn len lỏi vào bám dày đặc cả bàn ghế, giường, tủ, quần áo… điều đáng nói là suốt tuyến đường từ ngã 3 giao lộ vào tận khu mỏ, phóng viên không ghi nhận bất cứ phương tiện nào phục vụ cho việc tưới nước nhằm giảm thiểu bụi.
Tiến sâu vào khu vực mỏ, tại đây phóng viên tiếp tục ghi nhận hàng loạt xe chở đất di chuyển ra khỏi khu vực mỏ có dấu hiệu quá tải, nhưng không qua trạm cân kiểm soát tải trọng, mặc dù tại khu vực mỏ có lắp trạm cân. Tại đây phóng viên có gặp một người tự xưng là quản lý, khi thấy tình trạng trên, phóng viên hỏi vì sao nhiều xe chở đất ra khỏi khu vực mỏ mà không qua kiểm tra tải trọng, vị này cười tắc lưỡi rồi bỏ đi. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu trạm cân nói trên có thật sự hoạt động, hay chỉ lắp cho có nhằm đối phó cơ quan chức năng?
Để đảm bảo khách quan, phóng viên gặp chị N.T.H, một người dân sống tại thôn Trà Sơn bức xúc nói: “Nhà tôi có con nhỏ, mọi khi họ chưa khai thác mỏ đất, khu vực này rất yên bình, việc đi học thì các con tôi tự đi, cuối ngày các cháu nô đùa ngoài đường mà không lo sợ bất cứ điều gì. Từ khi có mỏ đất, xe thì chạy ầm ầm nên nhà tôi phải đóng cửa tối ngày, thường xuyên đưa đón các cháu khi đi cũng như về vì sợ tai nạn giao thông. Trước đó nhà tôi đã từng chứng kiến 2 xe chở đất chạy ngược chiều tránh nhau rồi bị lật tại đây, nên ai nấy trong thôn đều khiếp sợ.”
Đồng quan điểm trên, anh H.V.T cho biết: “Tiếng ồn của xe cộ, máy móc, khói bụi…, từ người già đến trẻ nhỏ ở vùng này đã quá quen với cuộc sống này rồi. Từ khi mỏ đất hoạt động, từ trong nhà ra ngoài sân cứ phải lau chùi một ngày 2 lần, nhiều lần kiến nghị lên Chính quyền, họ xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng đâu rồi lại vào đó. Đã từ lâu chúng tôi chưa từng có một giấc ngủ trưa ngon giấc, ngày nào cũng chứng kiến hàng trăm chiếc xe phóng ầm ầm, nhà thì đóng cửa cả ngày nhưng bụi vẫn bám đầy, đến cả nước sinh hoạt trong bể chứa cũng bị chuyển màu.”
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã được UBND tỉnh quy hoạch 2 khu mỏ, khu mỏ 1 do Cty TNHH Hùng Thuận khai thác, khu mỏ 2 do Cty cổ phần XD & Khai thác khoáng sản Đức Toàn khai thác. Về nội dung mà người dân phản ánh trên là có, Chính quyền địa phương đã nắm bắt và cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và lập biên bản. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận tiện khai thác, phía Chính quyền cũng yêu cầu phía doanh nghiệp cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường như: Giảm tần suất di chuyển của phương tiện, giảm thời lượng khai thác, áp dụng các biện pháp tưới nước tại khu vực khai thác và khu vực xe đi qua để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.”
Từ thực tế phóng viên ghi nhận và qua lời phản ánh của người dân, điều đó đã minh chứng rất rõ:
1) Doanh nghiệp nắm rõ các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thực hiện khai thác, song quá trình khai thác, vận chuyển lại không thực hiện các phương án nhằm giảm thiểu tác động môi trường.
2) Doanh nghiệp có chứng kiến nỗi khổ của người dân khi phải cam chịu sự tra tấn của tiếng máy, khói bụi trong suốt thời gian dài.
3) Mặc dù Chính quyền xã đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp, lập biên bản, yêu cầu cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, nhưng hầu như mọi việc sau đó lại đi vào quỹ đạo cũ.
Dựa vào đó để thấy được những tắc trách của doanh nghiệp trong vấn đề chấp hành công tác bảo vệ môi trường, sự tồn tại những bất cập trong việc quản lý của địa phương cho tới cấp cơ sở; cần lắm sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, sớm đưa ra các giải pháp căn cơ nhằm giảm tác động môi trường, môi sinh cũng như sức khỏe của người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Phú Lộc. Công tác quản lý ra sao, việc chấp hành của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường như thế nào? Phóng viên Môi trường Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin ở phần tiếp theo.