Tình trạng đốt rơm rạ lại tái diễn sau vụ lúa đông xuân năm nay. Thói quen tồn tại nhiều năm qua khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Gia tăng tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi
Theo đó, tình trạng đốt rơm rạ gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây. Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, sau khi thu hoạch, rơm rạ thường được nhà nông gom lại thành đống rồi đốt ngay trên ruộng hoặc bên lề đường.
Hầu hết các hộ nông dân đều chọn cách đốt để xử lý rơm rạ. Con đường dẫn vào khu dân cư là hàng dàng các đụn rơm đã cháy đen. Những làn khói cùng bụi mịn theo gió bay xa bao trùm cả khu vực dân cư lân cận. Ông N.V.C (thôn Đông Tiến, Quang Châu, Việt Yên) chia sẻ: “Trước đây còn có thể lấy rơm rạ về cho trâu bò, nấu bếp. Còn bây giờ không làm gì bằng rơm rạ nữa, nếu cứ để đấy bừa bãi thì cứ đem đốt, chuyển hóa thành tro thì mới sạch ruộng để cày bừa vụ sau.”
Hiện nay, có nhiều giải pháp thay thế cho việc đốt, tận dụng nguồn rơm rạ cho sản xuất. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động người dân dùng chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn rơm rạ thành phân bón vẫn chưa được thực hiện tích cực.
Theo ông N.V.C, người dân có biết tới cách dùng rơm để trồng nấm rơm, tuy nhiên địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể nào. “Nếu có chủ trương đem khoa học về để tận dụng phế thải nông nghiệp thì bà con nông dân sẽ có thêm nguồn lợi, thêm công ăn việc làm. Có được hướng giải quyết đầu ra này thì sẽ vừa sạch ruộng, vừa tận dụng được rơm rạ, vừa làm ra sản phẩm”, ông C. chia sẻ.
Ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người
Việc đốt rơm rạ tràn lan sinh ra nhiều khói bụi, khiến bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm. Chị Đỗ Thu Hà (Quang Châu, Việt Yên) hàng ngày đi làm qua khu vực đồng lúa cho biết: “Dạo này người dân thường xuyên đốt rơm rạ khiến khói bay mù mịt rất khó chịu. Lần nào đi qua đây mà người ta đốt thì tôi phải đi nhanh qua chứ ngửi lâu là muốn ho, đau đầu.”
Khói rơm rạ chứa nhiều chất độc có thể gây hại đến sức khỏe con người. PGS. TS Hoàng Anh Lê (Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) cho rằng, việc đốt rơm có thể hoàn nguyên lại cho đất một số dưỡng chất của cây trồng, tuy nhiên dưới góc độ môi trường, khí đốt lại gây ô nhiễm và lãng phí nguồn rơm rạ. Đốt rơm dễ phát sinh nhiều thành phần độc hại như bụi mịn PM10, PM2.5, muội than và các khí CO, CO2, CH4, N20 là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và mưa axit.
Đối với sức khỏe con người, khí đốt rơm dễ gây kích ứng khiến người hít phải khói bị ho, hắt hơi, buồn nôn. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, khí độc có thể gây tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, nhất là với người già và trẻ em.
Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ cũng làm tăng nguy cơ cháy nổ khi ở gần đường điện và làm mất an toàn giao thông. Nhiều người dân vẫn tự do đốt rơm bên lề đường khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn khi di chuyển.
Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân có thể bị bị xử phạt đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa triệt để tại nhiều địa phương khiến tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn nhiều năm qua.