Hàng nghìn hộ dân tại 7 xã, thị trấn Củ Chi phải chịu đựng mùi hôi thối phát tán ra bán kính 10 km từ khu xử lý rác rộng gần 700 ha sử dụng công nghệ đốt rác lạc hậu.
Hơn một tuần qua, dòng nước đen ngòm chảy từ khu xử lý rác Tây Bắc cùng nước mưa tù đọng khiến khu vực nhà anh Trần Đình Síu, 41 tuổi (ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) lầy lội, phát sinh ruồi muỗi. Không chỉ ngập, mùi hôi nồng nặc từ bãi rác cách đó 300 m còn bủa vây bầu không khí nơi gia đình anh sinh sống.
Anh Síu cho biết, trước khi có khu xử lý rác, gia đình dùng nước giếng cho sinh hoạt và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên khi khu tập kết rác hoạt động, chục năm qua nước bắt đầu nhiễm phèn, có mùi nên chỉ giặt đồ, tắm rửa còn nước ăn uống mua từ nơi khác. Cây trồng èo uột, thậm chí chết hàng loạt, nhiều hộ làm nông ở khu vực phải bỏ nghề. Nước từ các kênh 15,17,18 và Thầy Cai từ trong xanh, đầy cá nay đổi màu đen, hầu như không có sinh vật sống.
Hơn hai năm qua, để người dân đỡ vất vả tìm nguồn nước sạch hoặc bỏ tiền ra mua, địa phương phải đầu tư bồn chứa 5.000 lít có xe bồn tiếp nước mỗi ngày. Gần đây phía quản lý khu xử lý rác này đã phát cho mỗi hộ “khoản tiền độc hại” là 50.000 đồng một tháng. “Số tiền không thấm vào đâu trong khi gia đình tôi phải chịu đựng ô nhiễm triền miên nhưng đành bất lực”, anh Síu nói.
Ở cách bãi rác chừng 4 km, song gia đình bà Hồ Thị Cẩm Hồng, 50 tuổi, cũng chung tình cảnh như anh Síu. Trước mùa mưa, bà đã giăng hai tấm lưới rộng hàng chục mét vuông ở hai bên hiên hạn chế gió lùa mang theo mùi hôi thối vào nhà nhưng vẫn không đáng kể. Những ngày nắng gắt rồi mưa, không khí ô nhiễm nồng nặc xộc thẳng vào nhà khiến bà phải đóng cửa chặn mùi hôi.
Những hôm nhà máy rải hoá chất để phân huỷ rác, nhà bà Hồng còn thêm mùi khai khiến một số người ngửi lâu bị chóng mặt. Nhiều người thân, họ hàng của bà từ quê mỗi lần đến nhà thăm đều ái ngại. “Điều tôi lo lắng nhất là ô nhiễm không khí ảnh hưởng hô hấp của hai đứa cháu nhỏ”, người phụ nữ 50 tuổi nói.
Gia đình anh Síu và bà Hồng là hai trong số hàng nghìn hộ tại 7 xã và thị trấn gồm: Thái Mỹ, Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội, Phước Vĩnh An, Phước Thạnh và Củ Chi bị ảnh hưởng từ ô nhiễm xuất phát từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, theo UBND huyện Củ Chi.
Tại khu này, ba núi rác lớn cao hàng chục mét dâng đến mái tôn nhà máy. Xung quanh các núi rác, nước đen ngòm rỉ xuống các mương, rãnh cách các con kênh chứa nước tưới tiêu chưa tới chục mét. Hàng ngày, xe chở rác ra vào liên tục, không phủ bạt kỹ lượng khiến rác rơi đầy hai bên đường dẫn vào nơi xử lý. Mùi hôi thối nồng nặc, khói đen từ lò đốt rác bay mù mịt ra đường.
Hoạt động từ năm 2003, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc rộng 687 ha, có hai công ty xử lý rác bằng cách chôn lắp và đốt, tái chế phân bón. Đây là điểm tập kết rác có diện tích lớn nhất TP HCM, rộng hơn cả khu xử lý rác Đa Phước (613 ha ở huyện Bình Chánh), mỗi ngày tiếp nhận hơn 3.000 tấn rác.
Nhiều năm trở lại đây, các nhà máy tại khu liên hợp này đã hoạt động quá công suất thiết kế trong khi công nghệ xử lý lạc hậu dẫn đến ô nhiễm kéo dài. Với những vi phạm này, năm 2020 khu xử lý bị Tổng cục Môi trường xử phạt hành chính.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết theo thiết kế khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc phải có dự án trồng cây xanh để cách ly xung quanh, tách biệt khu dân cư, ngăn nước thải ngấm xuống lòng đất, tăng quang hợp, giảm mùi hôi. Tuy nhiên, 17 năm nay qua việc này vẫn chưa thể thực hiện do thiếu vốn, vướng thủ tục được dẫn đến ô nhiễm kéo dài.
Hiện nay, khoảng 400 hộ dân sống gần bãi rác không thể trồng trọt, canh tác do nước ô nhiễm ngấm xuống lòng đất dù trước đây trồng lúa đến 2-3 vụ trong năm. Nhiều khu vực lân cận, người dân phải bỏ hoang đất đai hoặc chỉ trồng được duy nhất cây tràm.
Gần đây, mùi hôi thối đã phát tán đến xã Phước Vĩnh An, cách bãi rác hơn 10 km đường chim bay gây ảnh hưởng hàng nghìn hộ. “Nhiều hộ dân gần bãi rác sẵn sàng nhận tiền bồi thường thấp hơn giá đất hiện tại để chuyển nơi ở mới vì không thể chịu đựng ô nhiễm”, bà Hiền nói.
Để hạn chế ô nhiễm, huyện đã yêu cầu Ban quản lý khu liên hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty xử lý rác. Tại các khu vực ô nhiễm nếu chưa có hệ thống nước sạch, địa phương sẽ lắp đặt bồn chứa cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhất thời, theo bà Hiền, thành phố cần sớm triển khai dự án trồng 196 ha cây xanh quanh bãi rác mới hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, rác thải sinh hoạt tại thành phố tăng 10% mỗi năm, nhưng việc xử lý còn lạc hậu khi 70% số rác vẫn được chôn lắp. Việc này gây nguy cơ ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Để giảm tác động tiêu cực do chất thải, TP HCM đang xây dựng định hướng đến năm 2025, 80% lượng rác phải được đốt phát điện và tái chế.
Nguồn VNExpress