Cơ quan môi trường Jakarta của Indonesia cho biết đang sử dụng 3 chiến lược để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô do mùa khô. Quyết định được đưa ra sau khi Jakarta đã trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir.
Từ tháng 7 đến tháng 9 là đỉnh điểm mùa khô ở Indonesia do đó chất lượng không khí không tốt, vì vậy, cơ quan môi trường Jakarta đã áp dụng 3 chiến lược.
Chiến lược đầu tiên liên quan đến việc kiểm soát ô nhiễm thông qua các chính sách và quy định. Chiến lược thứ hai liên quan đến việc giảm lượng khí thải gây ô nhiễm bằng cách tăng cường kiểm tra khí thải của các phương tiện giao thông và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chiến lược cuối cùng là kêu gọi người dân kiểm tra chất lượng không khí trước khi thực hiện các hoạt động ngoài trời.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Để kiểm tra chất lượng không khí, người dân có thể sử dụng ứng dụng Jakarta Kini (JAKI) và ứng dụng Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm không khí (ISPU). Theo chiến lược thứ hai, các văn phòng môi trường khu vực đã ký cam kết giảm ô nhiễm không khí bằng cách thực hiện các cuộc kiểm tra khí thải của phương tiện cơ giới. Các cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân thực hiện những biện pháp phòng ngừa để giảm tác động như đeo khẩu trang, giảm các hoạt động ngoài trời và các hoạt động khác.
Theo các nhà khí hậu học, do lớp đảo ngược ở các khu vực đô thị trong mùa khô, không khí có xu hướng lạnh hơn ở các lớp bên dưới cũng khiến cho không khí ở Jakarta có vẻ âm u hơn ở trên cao.
Jakarta vẫn nằm trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Chính quyền thành phố cũng đã thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề kéo dài nhiều năm qua như yêu cầu các phương tiện phải trải qua cuộc kiểm tra khí thải thường xuyên, thực hiện chính sách biển số xe chẵn lẻ, tăng phí đỗ xe để giảm lưu lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng cho người đi bộ cũng như xây dựng không gian xanh, hạn chế khí thải từ khu vực công nghiệp và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh sang năng lượng xanh. Tuy nhiên chất lượng không khí ở thủ đô vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Theo bảng xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, thủ đô Jakarta của Indonesia đã trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Theo đó, Jakarta và các vùng lân cận đã thường xuyên ghi nhận mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vượt xa các thành phố ô nhiễm nghiêm trọng khác như Riyadh (Saudi Arabia), Doha (Qatar) và Lahore (Pakistan).
Theo VOV