Cứ đúng vào thời điểm tan tầm, xe đông đường tắc, lại thấy các cột khói đốt rác nghi ngút ở ven đê, bãi đất trống hay khu xây dựng bốc lên chắn tầm nhìn. Đặc biệt mùa ô nhiễm không khí, người tham gia giao thông phải nín thở đi qua khu vực này.
Dọn rác cho những khu vực chuẩn bị xây dựng, xử lý rác to quá khổ, rác sinh hoạt… người dân đều lựa chọn phương thức đốt cho nhanh. Tình trạng đốt rác bừa vẫn diễn ra khắp các tuyến đường An Dương Vương, Âu Cơ quận Tây Hồ, đường Hồng Hà quận Ba Đình, khu vực phường Chương Dương, Phúc Tân quận Hoàn Kiếm…
Chị Phương Thị Nhung, nhân viên Công ty CP MTĐT Tây Đô thường xuyên thu gom rác, chứng kiến cảnh người dân đốt rác cồng kềnh nhưng không thể can thiệp:
“Nhà này đổ ra họ bảo đốt. Nhà người ta đốt chị không đốt. Sopha kia mà đốt cháy kinh lắm. Nó cháy phải cao ngất lên.”
Người dân đốt rác trên đường Hồng Hà
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam thông tin, việc đốt rác bừa là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng nhưng vẫn có nhiều người coi đây là thói quen và không nghĩ rằng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường:
“Khi người ta đốt ở nơi giao thông công cộng như thế thì đầu tiên là ảnh hưởng trực tiếp tới những người gần đó như người lái xe, người tham gia giao thông sẽ phải hít trực tiếp các khí độc đó. Ngoài bụi bặm ở đường ra lại còn khí thải độc hại từ các vật liệu như thế thì rất nguy hại tới sức khỏe.”
Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy, Chi hội phó chi hội phụ nữ dân tổ phố số 3 phường Chương Dương, người dân đã nhiều lần thấy cảnh đốt rác ảnh hưởng đến môi trường nhưng chưa có ai lên tiếng. Hoạt động giám sát, kịp thời phản ánh vụ vi phạm cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng hoặc các ứng dụng công nghệ chưa được khuyến khích tại cộng đồng:
“Đốt rác toàn rác độc hại toàn cao su, nilon. Chưa có người đứng ra phản ánh việc ấy. Ở đây chẳng có ai trông coi việc đấy mà xử lý.”
Theo điều 7 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hành vi đốt rác tực phát, đốt các chế phẩm nông nghiệp ở khu vưc dân cư, nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng. PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Tài Nguyên và Môi trường cho biết, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đã có, tuy nhiên quá trình thực thi còn bất cập:
“Các quy định đã rõ ràng nhưng vẫn xảy ra phổ biến là do quá trình thực thi. Không phải trườn hợp này mà nhiều trường hợp khác chúng ta cũng có quy định nhưng thực thi yếu, chưa nghiêm. Nếu mà cơ chế thực thi chưa đủ thì cần xét lạ, còn nếu đủ rồi thì phải có những hình thức như thế nào đối với người không thực hiện.”
Theo VOV