Giao thông vận tải (GTVT) là động lực cho sự phát triển thịnh vượng của TP Hà Nội, bên cạnh đó cũng tạo ra các thách thức, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Trong GTVT đường bộ, xe mô tô, xe gắn máy có số lượng lớn nhất, tương ứng với việc phát thải mạnh các chất gây ô nhiễm không khí.
Trong nghiên cứu “Phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy trong giao thông đường bộ tại TP. Hà Nội”, nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra các căn cứ cho thấy, xe máy là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí.
Hà Nội là đầu mối GTVT quan trọng của cả nước nên số lượng các loại phương tiện vận tải chiếm ưu thế. Theo số liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam và Công an TP. Hà Nội năm 2019, trên địa bàn TP. Hà Nội có hơn sáu triệu xe mô tô, xe gắn máy và có xu hướng ngày càng tăng. Xe máy có động cơ đốt trong sử dụng xăng. Quá trình xe chạy, xe ở chế độ không tải hoặc xe ở trạng thái khởi động đều làm phát sinh CO, NOx, SOx, CO2, HC, muội… Bay hơi nhiên liệu làm thất thoát hidrocác-bon và sự mài mòn trong quá trình di chuyển sinh PM2.5 cũng là các dạng phát thải do hoạt động của xe máy.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình IVE để tính toán tỷ lệ phát thải trung bình đối với các loại phương tiện khác nhau và xác định hệ số phát thải từ xe máy. Đối với kiểm kê phát thải, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình EMISENS để tính phát thải cho từng loại xe và cho từng loại phát thải (nóng, lạnh và bay hơi). Do tính phức tạp của giao thông, nhiều loại xe được sử dụng với các nguồn nhiên liệu khác nhau cũng như tính chất của mỗi con đường khác nhau, mô hình EMISENS tính phát thải cho hoạt động giao thông được sử dụng, nhằm tiết kiệm thời gian tính toán và giảm sai số nhờ kết hợp hai phương pháp tiếp cận, cả từ trên xuống và từ dưới lên.
Nguồn dữ liệu cho các mô hình là từ các báo cáo quốc gia, đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học, số liệu từ Tổng cục thống kê, các Sở, ban, ngành, trên website chính thức của TP. Hà Nội. Đồng thời, trong năm 2022, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu giao thông theo thực tế, phỏng vấn xe trên địa bàn quận huyện, khảo sát ngẫu nhiên trên cả 30 quận, huyện tại TP. Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy, có 8.765 xe máy lưu thông trên các tuyến đường ở Hà Nội trong một giờ. Xe máy là phương tiện sử dụng chủ yếu của người dân, tỷ lệ xe máy chiếm đông nhất và cũng được sử dụng nhiều nhất. Trung bình mỗi xe di chuyển 16,4 km/ngày, khoảng quãng đường nhiều phương tiên đi trong một ngày nhất từ 8,1-10,8 km/ngày.
Số lượng xe chủ đạo trong nhóm phương tiện xe máy ở TP. Hà Nội sản xuất từ 2007 – 2017 chiếm 69% với tiêu chuẩn khí thải EURO II, 17% phương tiện sản xuất sau năm 2017 tuân theo tiêu chuẩn khí thải EURO III, xe máy sản xuất từ 1999 – 2007 chiếm 11% tương ứng với tiêu chuẩn khí thải EURO I và xe máy sản xuất trước 1999 đang hoạt động là 3%.
Kết quả tính hệ số phát thải cho nhóm xe máy ở Hà Nội đối với CO là 12,63 g/km trong thời gian xe chạy và 0,123 g/lần trong thời gian khởi động.
Tổng phát thải bụi từ xe máy là 5.261 tấn/năm, NOx là 22.478 tấn/năm, CO là 845.340 tấn/năm và SO2 là 345 tấn/năm. Dữ liệu thể hiện kết quả kiểm kê chi tiết từ nguồn xe máy và cho thấy, đây là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội. Các kết quả nghiên cứu giúp đưa ra những cơ sở đề xuất những giải pháp nhằm quản lý, giảm thiểu phát thải ra không khí trong hiện tại và xây dựng kế hoạch kiểm soát tốt ô nhiễm không khí trong tương lai từ nguồn phương tiện cá nhân đông đảo nhất này.
Về kỹ thuật, có thể kiểm soát xe máy lưu thông trong giới hạn tuổi xe được lưu hành, khuyến khích kiểm tra xe thường xuyên, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang các phương tiện công cộng, xe đạp, thay đổi nhiên liệu sạch như thúc đẩy sử dụng xe điện, nghiên cứu sử dụng xe hydrogen, xe CNG, nhiên liệu sinh học có độ sạch cao, xe mới áp dụng tiêu chuẩn EURO mức 3 trở lên với các bộ lọc xúc tác, kiểm soát nhiên liệu…
Về quản lý, các biện pháp khuyến khích phương tiện công cộng hay quản lý xe máy là cần thiết. Ngoài ra việc triển khai đề án cấm xe cần được tiến hành song song với phát triển mạng lưới giao thông thay thế, giới hạn xe máy hoạt động trong những khu vực đông đúc, có nhiều ngã rẽ, đèn đỏ… Những nơi tốc độ xe chậm và thường tắc đường là những khu vực làm tăng hệ số phát thải của xe.