Sáng 14/1 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra tọa đàm “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” với sự tham gia của các chuyên gia môi trường, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế của đại học Kinh Tế Quốc dân.
Gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang rất được quan tâm không chỉ với các nhà nghiên cứu môi trường, các chuyên gia y tế mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng đã bắt đầu tiếp cận vấn đề theo góc nhìn kinh tế.
Lượng giá thiệt hại của ô nhiễm không khí
Năm 2018, thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí là 10,82 – 13,63 tỷ USD, chiếm 4,45 – 5,64% GDP. Đó là kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân đã thực hiện trong 10 năm với phương pháp lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (welfare – based approach) sử dụng mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân.
Dưới góc nhìn kinh tế, PGS. Trường chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đó là việc dịch chuyển “công xưởng sản xuất” từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển (chuyển dịch ô nhiễm) cộng với việc tiêu thụ năng lượng để tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2006 – 2015 cường độ tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam đã tăng 200%.
Kết thúc buổi tọa đàm GS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân (thành viên tổ tư vấn Thủ tướng) phát biểu “Cần phải có thêm những nghiên cứu để lượng giá tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế. Chỉ khi nào bài toán của chúng ta tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả”.
Nhung Nguyễn
Để lại bình luận