Ngày 26/2, Airbus đã công bố lượng khí CO2 mà các máy bay của hãng thải ra môi trường, động thái sẽ hỗ trợ việc đánh giá tiến độ mà ngành hàng không đạt được trong việc hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là lần đầu tiên một hãng sản xuất máy bay công khai lượng carbon mà các máy bay thải ra theo thời gian thực.
Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề nội bộ và truyền thông của Airbus, bà Julie Kitcher cho biết Airbus mong muốn chứng minh cam kết trong việc loại trừ carbon trong ngành hàng không và đây là cơ hội để tăng cường sự minh bạch trong ngành này.
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không hiện đang gây ra 2% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.
Dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa nguy cơ ô nhiễm không khí sẽ cao hơn nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong bối cảnh phong trào “flygskam” được khởi xướng nhằm nâng cao tránh nhiệm của các nhà đầu tư đối với xã hội, ngành hàng không càng chịu nhiều áp lực để đáp ứng cam kết đến năm 2050, có thể cắt giảm 50% lượng khí thải carbon so với năm 2005.
Airbus ước tính 863 máy bay hãng này bàn giao vào năm 2019 sẽ phát thải 740 triệu tấn khí CO2 trong khoảng 22 năm vận hành. Dựa trên số liệu này, ước tính Pháp đã thải ra khoảng 441 triệu tấn CO2 vào năm 2019.
Airbus sử dụng phương pháp tính toán lượng khí thải của các công ty hàng đầu, có tên gọi Greenhouse Gas Protocol, trong đó thống kê cả mức độ sử dụng sản phẩm của khách hàng.
Tuy nhiên, Airbus chỉ ra rằng hiệu suất của máy bay đang được cải thiện. Trung bình các máy bay do Airbus bàn giao năm 2019 thải ra 66,6g khí CO2 cho mỗi km di chuyển của một hành khách. Năm 2020, con số này giảm xuống chỉ còn 63,5g. Trong khi đó, theo Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT), các máy bay thương mại hiện hành của Airbus, gồm cả các máy bay cũ, đang thải ra trung bình 90g CO2 cho mỗi km di chuyển của một hành khách. ICCT cho biết các ôtô trung bình thải ra 122g khí CO2/km, song con số này vẫn cần chia cho số người bên trong xe để đảm bảo so sánh thực tế.
Phó Chủ tịch Kitcher nhấn mạnh thống kê chỉ cung cấp thông tin sơ lược về tình hình hiện tại. Nguyên nhân là vì ngành hàng không đang kỳ vọng phát triển các nhiên liệu bền vững cho máy bay (SAF), vốn được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm lượng khí thải.
Dự báo mức khí thải CO2 sẽ giảm, nếu các máy bay của Airbus được bàn giao vào năm 2019 được chứng nhận sử dụng 50% nhiên liệu SAF, mặc dù lượng nhiên liệu xanh hiện tại là rất thấp.
Bà Kitcher khẳng định nếu hãng này sử dụng 50% nhiên liệu SAF, lượng khí thải của các máy bay sẽ giảm tới 40%. Nếu tăng mức sử dụng lên 100% với nhiên liệu hydro hay sử dụng pin, thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa.
Để đạt được mục tiêu của năm 2050, cũng như hướng tới ngành công nghiệp không khí thải, các máy bay phải vận hành hiệu quả hơn 90% so với năm 2005, do đi lại nhu cầu di chuyển qua đường hàng không sẽ còn tăng cao.
Năm ngoái, Airbus đã công bố 3 loại máy bay sử dụng nhiên liệu hydro có thể đi vào hoạt động từ năm 2035. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng đang nỗ lực kiểm soát giao thông hàng không và tăng hiệu suất của động cơ để giảm khí thải CO2.
Theo Việt Nam plus
Để lại bình luận