Riêng trong ngày 22/12 vừa qua, chỉ số chất lượng không khí trung bình hằng ngày tổng thể của Thủ đô Delhi (Ấn Độ) đã tăng đều đặn ở mức 397 lúc 10h sáng và 409 vào lúc 4h chiều (giờ địa phương)
Cuối tuần qua, Ấn Độ đã phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế theo Giai đoạn 3 của Kế hoạch Hành động Ứng phó Theo Cấp độ (GRAP) tại Thủ đô Delhi do tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng.
Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí (CAQM) đã ban hành lệnh cấm đối với hoạt động xây dựng không thiết yếu, nghiền đá và khai thác mỏ, cũng như hoạt động vận tải bằng phương tiện bốn bánh sử dụng nhiên liệu xăng BS-III và diesel BS-IV.
Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với các công trình xây dựng liên quan đến an ninh, quốc phòng, các dự án quan trọng quốc gia, y tế, đường sắt, tàu điện ngầm, sân bay, bến xe buýt liên bang, đường cao tốc, đường bộ, cầu vượt, cầu vượt, truyền tải điện, đường ống, vệ sinh và cấp nước.
Theo CAQM, sương mù và khói bụi cùng tốc độ gió thấp là nguyên nhân chính khiến chỉ số chất lượng không khí trung bình hằng ngày (AQI) của Delhi tăng đột ngột.
Riêng trong ngày 22/12, AQI tổng thể của Delhi đã tăng đều đặn, ở mức 397 lúc 10h sáng và 409 vào lúc 4h chiều (giờ địa phương).
Trong năm 2023, Ấn Độ đã nhiều lần ban hành lệnh hạn chế phương tiện giao thông ở Thủ đô vì ô nhiễm không khí.
Đầu tháng 11 vừa qua, chính quyền thành phố New Dehli đã áp dụng các biện pháp ứng phó theo Giai đoạn 3 GRAP và đóng cửa hàng loạt trường học, đồng thời tiến hành làm mưa nhân tạo để cải thiện chất lượng không khí ở khu vực này.
GRAP là kế hoạch được xây dựng nhằm hạn chế ô nhiễm không khí ở khu vực Thủ đô Delhi vào mùa Đông. Trong đó quy định các biện pháp đối phó tương ứng với bốn giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 1 – Kém (AQI 201-300); Giai đoạn 2 – Rất kém (AQI 301-400); Giai đoạn 3 – Nghiêm trọng (AQI 401-450); và Giai đoạn 4 – Rất nghiêm trọng (AQI > 450).
Theo Vietnamplus