Không chỉ đe dọa sức khỏe người dân, tại Ấn Độ ô nhiễm không khí còn đang là một trong những gánh nặng chính đe dọa tới tăng trưởng kinh tế nước này.
Một màn sương độc hại bao phủ thành phố, bất kể ngày nắng hay râm – đây đã không còn là thực tế xa lạ tại nhiều đô thị lớn. Tại New Delhi, Ấn Độ, các công trình xây dựng, trường học và một số hoạt động sống khác sẽ bị yêu cầu ngừng hoạt động trong những ngày chất lượng không khí ở mức nguy hiểm. Cuộc sống thường xuyên gián đoạn khiến nhiều người nhận ra hy sinh bầu không khí cho phát triển là một cái giá quá đắt.
Ông Sunil Dahiya – Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Ấn Độ cho hay: “Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Ấn Độ đã bị thiệt hại khoảng 5% GDP vì ô nhiễm không khí. Nó bắt nguồn từ các chi phí y tế và năng suất lao động giảm sút, khi hàng triệu ngày làm việc đã bị mất đi, vì người dân phải đi khám chữa bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tổ chức Những bà mẹ Chiến binh đã được lập ra để chuyên giúp đỡ những người nghèo tại Ấn Độ chống chọi với tác hại của ô nhiễm không khí. Thời gian qua, những biện pháp cắt giảm ô nhiễm không khí tại Ấn Độ vẫn gặp những rào cản, với không ít tranh cãi cho rằng các biện pháp sẽ tác động tới sinh kế của người nghèo. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua thực tế, người nghèo cũng đang chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí.
“Nhiều người vô gia cư. Đa số thời gian là họ phải kiếm ăn trên đường phố. Bởi vậy họ phải hứng chịu nặng nề nhất những bụi bặm của đường phố, ô nhiễm của xe cộ”, bà Harmit Rajpal Masand – Tổ chức Những bà mẹ chiến binh, Ấn Độ nói.
Bà Bhavreen Kandhari – Tổ chức Những bà mẹ chiến binh, Ấn Độ cho biết: “Hãy thử tới một vài bệnh viện công những ngày này mà xem. Người ta xếp hàng dài, ho hắng, khó thở, đau tức ngực. Mọi thứ là rất rõ ràng những gì mà họ đang phải chịu đựng từ ô nhiễm không khí”.
Ấn Độ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, nền kinh tế sẽ có thể vượt qua Nhật và Đức, vươn lên vị trí thứ 3 thế giới. Nhưng ô nhiễm không khí nay đang được xem là một trong những mối đe dọa hàng đầu cản trở đà tăng trưởng của quốc gia.
Bà Anumita Roychowdhury – Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ cho biết: “Các số liệu đã cho thấy rõ ô nhiễm không khí và tác hại của nó đang lấy đi của nền Ấn Độ một khoản GDP lớn như thế nào. Nhưng ô nhiễm không khí không chỉ là câu chuyện của riêng Ấn Độ. Nó đòi hỏi các quốc gia phải có tầm nhìn về chất lượng không khí trong từng kế hoạch phát triển của mình”.
Trước đến nay người ta vẫn từng quan niệm ô nhiễm không khí là cái giá phải trả cho sự phát triển. Nhưng tại Ấn Độ, người ta ngày càng thấm thía một điều, một bầu không khí trong sạch thực tế là thứ tài sản phải nắm giữ cho được để cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai.
Nguồn VTV