Nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát điện tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; hiệu suất phát điện 11.6 MW đang được tích cực triển khai để sớm đưa nhà máy vào vận hành. Dự án sử dụng công nghệ Nhật Bản (đốt rác thu hồi nhiệt để sản xuất điện) .
Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện Quốc gia, điện sản xuất sẽ cung cấp cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Tổng mức đầu tư khoảng 58 triệu USD, trong đó, Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ 20 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD); tổ chức tài chính Quốc tế (IFC – Thuộc Ngân hàng Thế giới) hợp tác tài trợ số vốn vay là 30 triệu USD. 10 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Nhà máy điện rác được xây dựng trên diện tích 4,8 ha, khi vào hoạt động nhu cầu khoảng 15 ha. Chủ đầu tư Công ty TNHH năng lượng xanh T&J có trụ sở tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 527/QĐ-UBND ngày 12/11/2020; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1047645945 chứng nhận lần đầu ngày 18/11/2020, điều chỉnh lần thứ 01 ngày 03/12/2021. Cùng với đó, dự án đã được UBND tỉnh giao đất cho Công ty để thực hiện Dự án Tại Quyết định số 243/QĐ- UBND ngày 30/7/2021. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 334/QĐ- STNMT ngày 01/6/2021, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY925679, số vào sổ cấp GCN CT42062; Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN – Công an tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy tại văn bản số 177/TD-PCCC ngày 20/4/2022 và UBND huyện Thuận Thành phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 08/6/2022.
Từ đầu năm cho đến tháng 8/2022 đã hoàn thành 48%, trong đó các hạng mục công trình đầu tư xây dựng san nền chuẩn bị mặt bằng thi công đã thực hiện xong. Đồng thời, tổng thầu EPC để triển khai các công tác thiết kế, mua sắm và thi công xây lắp cho dự án, đến hết tháng 8/2022 đã hoàn thành 48% tổng khối lượng hợp đồng theo kế hoạch dự kiến, trong đó: Công tác Thiết kế của Hợp đồng EPC đang triển khai thiết kế chế tạo thiết bị 99%; Công tác Mua sắm của Hợp đồng EPC: đã hoàn thành 53% khối lượng; Công tác Thi công xây lắp của Hợp đồng EPC: đã thực hiện xong ép cọc thử nghiệm, các hạng mục công trình phụ trợ và tập kết vật liệu, máy móc, thiết bị tới công trường; Tổng giá trị giải ngân hợp đồng: 307.475.194.360 VNĐ tương đương 24.05%;
Mặc dù, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều các chuyên gia, kỹ sư của công trình quốc tịch nước ngoài không thể nhập cảnh. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung máy móc, thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy và khẩn trương triển khai các hạng mục còn lại để sớm hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành đúng như đã cam kết.
Đây là dự án được Chính phủ và Cơ quan Bộ ngành, địa phương hai nước hết sức quan tâm. Về ý nghĩa xã hội, đây là dự án trọng điểm trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Bắc Ninh, áp dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến trên thế giới. Dự án là mô hình rất phù hợp với điều kiện và công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam, là tiền đề để nhân rộng ra các tỉnh thành khác. Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp phần lớn vào công tác bảo vệ Môi trường của tỉnh Bắc Ninh và khu vực xung quanh.