Theo một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học, Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN) và các nhà khoa học trường Đại học Kitakyushu, Sophia (Nhật Bản), trong bầu khí quyển của Hà Nội có 19 loại thuốc trừ sâu, trong đó lần đầu phát hiện 16 chất mới chưa được ghi nhận trong các nghiên cứu tương tự.
Công bố “Comprehensive study of insecticides in atmospheric particulate matter in Hanoi, Vietnam: Occurrences and human risk assessment” (Nghiên cứu toàn diện về các loại thuốc trừ sâu trong hạt bụi trong khí quyển Hà Nội, Việt Nam: Những biểu hiện và đánh giá nguy cơ rủi ro với con người) trên tạp chí Chemosphere. Nghiên cứu do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED tài trợ.
Nghiên cứu tập trung phân tích các chất ô nhiễm vi hữu cơ trong thành phần của bụi khí quyển (APMs) tại Hà Nội và đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Hai điểm được lựa chọn để lấy mẫu bụi là đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy – nơi có lưu lượng giao thông lớn, và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm – nơi dân cư chủ yếu làm nghề trồng trọt, thủ công…, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2017. Nhóm tác giả lấy mẫu sáu ngày trên một tuần, cả trong mùa khô và mùa mưa.
Bằng phương pháp sàng lọc đích mới sử dụng LC-QTOF-MSSWATH, 19 loại thuốc trừ sâu đã được tìm thấy trong thành phần bụi, hầu hết trong số đó đều đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, ngoại trừ carbofuran và omethoate. Đáng chú ý, lần đầu tiên họ phát hiện ra sự hiện diện của 16 loại chưa được ghi lại trong các tài liệu như propargite – hoạt chất dùng để diệt trừ nhện trên cây với khả năng diệt trừ nhanh (sau 1, 2 ngày phun) và có thể kéo dài tới 20-25 ngày; midacloprid – hoạt chất diệt côn trùng được sử dụng để kiểm soát mối, côn trùng sống dưới đất và bọ chét trên vật nuôi; cyromazine – chất điều chỉnh tăng trưởng côn trùng triazine được sử dụng làm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ…
Nhìn vào tần suất xuất hiện của các hợp chất này, một nửa trong số đó xuất hiện trong 49% số lượng mẫu, đặc biệt propargite có trong tất cả các mẫu, imidacloprid có trong 91% số mẫu, và omethoate có trong 83% số mẫu, nồng độ cao nhất lần lượt là 8,60 ng/m3, 2,12 ng/m3 và 0,85 ng/m3.
Nồng độ các hợp chất trừ sâu trong mùa khô cao hơn mùa mưa, và nồng độ các hợp chất trừ sâu vào ban đêm cao hơn ban ngày trong cả mùa mưa và mùa khô. Các nhà nghiên cứu nhận xét, nồng độ của thuốc trừ sâu không chỉ phụ thuộc vào mùa – có thể do mùa mưa thì chúng dễ khuếch tán, pha loãng trong không khí hơn, mà còn phụ thuộc vào các đặc tính hóa lý của từng hợp chất, điều kiện sử dụng và điều kiện khí tượng. Họ dự đoán, các nguồn phát thải của chúng có thể liên quan đến việc trồng trọt và kiểm soát dịch hại trong nhà, ví dụ như diệt mối, nhện, kiến…
Vậy với nồng độ các hợp chất thuốc trừ sâu đo được trong mẫu bụi có gây ra rủi ro sức khỏe nào với con người? Một khảo sát sơ bộ vào năm 2018 của Viện nghiên cứu Sức khỏe môi trường và nghề nghiệp quốc gia (Bộ Y tế) đã chỉ ra rằng gần một nửa trong số 67 mẫu máu thu thập ở Hà Nội có thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học trong nghiên cứu này, rủi ro sức khỏe ở nồng độ này đối với các chất ô nhiễm là không đáng kể. Nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu phân tích trên diện rộng các hợp chất trừ sâu ở cả pha lỏng và pha hạt ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận để có bằng chứng củng cố luận điểm này.
Theo Tạp chí Tia sáng
Để lại bình luận