Nghiên cứu “Các yếu tố chính giải thích cho những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội mùa đông năm 2019” (Key factors explaining severe air pollution episodes in Hanoi during 2019 winter season) của tác giả Phùng Ngọc Bảo Anh thuộc đại học Littoral Côte d’Opale, Pháp được công bố trên tạp chí Atmospheric Pollution Research (Q1).
NCS Phùng Ngọc Bảo Anh chia sẻ về mối quan hệ giữa chiều cao lớp cận biên khí quyển và nồng độ PM2.5.
Điểm mới lạ của nghiên cứu này là sử dụng thiết bị Lidar để đo độ cao lớp cận biên khí quyển tại Hà Nội trong mùa đông ẩm từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2019. Hướng nghiên cứu không chỉ mới ở Việt Nam mà đối với khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân là do số liệu khí tượng theo chiều thẳng đứng tại Việt Nam chỉ được đo bằng bóng thám không, số liệu thu được là 2 lần/ngày vào 7:00 và 19:00 hàng ngày. Trong khi sử dụng Lidar cho số liệu liên tục và theo thời gian thực.
Trong giai đoạn 3 tháng của chiến dịch nghiên cứu, tác giả và nhóm nghiên cứu của mình đã sử dụng thiết bị Dopper Lidar và Aerosol Lidar. Doppler Lidar quan trắc tốc độ và hướng gió, độ lệch chuẩn tốc độ gió theo chiều thẳng đứng – là các đại lượng liên quan trực tiếp đến độ trộn dọc của lớp cận biên. Aerosol Lidar để xác định chiều cao lớp cận biên khí quyển dựa theo phương pháp Gradient (Gradient Method).
Ngoài ra, dữ liệu về nồng độ bụi PM2.5 và các thông số khí tượng được thu thập để chạy mô hình HYSPIT nhằm xác định quỹ đạo ngược của các khối khí tại các độ cao 100m, 600m, 1000m, 1500m có liên quan đến việc vận chuyển dài hạn các chất ô nhiễm không khí.
Một số kết quả của nghiên cứu:
- Nồng độ trung bình của PM5 trong thời gian đo đạc là 45 µg/m3, trong đó, nồng độ trung bình ngày cao nhất đo được là 129 µg/m3 (gấp hơn 2 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT).
- Các khoảng thời điểm ô nhiễm nặng đều liên quan đến các ngày mây mù kèm theo điều kiện tình trạng thời tiết không thuận lợi cho việc phân tán ô nhiễm.
- Lớp cận biên khí quyển đều thấp hơn 1000m trong các ngày mây mù. Nồng độ trung bình giờ của PM5 thay đổi cơ bản theo sự hình thành của lớp cận biên khí quyển, cụ thể là quy luật ngược nhau.
“Số liệu cho thấy, lớp cận biên khí quyển trong nghiên cứu vào mùa đông ẩm ở Hà Nội rất thấp (310m – 890m). Trong khi ở châu Âu, độ cao của lớp cận biên có thể từ 1,5 đến 2 km”, TS. Lý Bích Thủy (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định. “Kết quả này biểu hiện một điều kiện khí tượng rất bất lợi [ở Hà Nội].”
Nhung Nguyễn
Để lại bình luận