Nepal đã phải đối mặt với trận cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở nước này trong ngày 9/4 đã tăng lên mức nguy hiểm.
Cháy rừng diễn ra nghiêm trọng từ đầu năm 2021 tại Nepal
Thủ đô Kathmandu của Nepal bị bao phủ trong làn khói mờ và các hạt bụi lơ lửng trong không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Kathmandu vào ngày 9/4 là 174, mức không tốt cho sức khỏe.
Sundar Sharma, một quan chức cấp cao của Cơ quan Quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Nepal, cho biết, cho đến nay đã có 5 người thiệt mạng trong lúc cố gắng dập tắt các đám cháy rừng bùng phát kể từ tháng 1. Ít nhất 60 vụ cháy rừng nghiêm trọng đã diễn ra trên cả nước, làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí trên khắp quốc gia này.
Ông Sharma cho biết, thông tin chi tiết về thiệt hại do cháy rừng vẫn đang được thu thập. Đây là mùa cháy rừng tồi tệ nhất kể từ năm 2012, khi Chính phủ Nepal bắt đầu lưu giữ hồ sơ về các vụ cháy rừng.
Ông Sharma nói: “Cháy rừng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng ở Kathmandu và nhiều nơi khác. Cháy rừng có thể đạt đến đỉnh điểm vào cuối tháng 4 nếu tình hình khô hạn vẫn tiếp diễn“.
Vào cuối tháng 3/2021, Nepal đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước trong 4 ngày sau khi ô nhiễm không khí tăng lên đến mức nguy hiểm, buộc 8 triệu học sinh phải ở nhà. Tầm nhìn của sân bay quốc tế ở thủ đô Kathmandu giảm xuống dưới 1km, gây ra tình trạng hỗn loạn các chuyến bay trên diện rộng.
Cháy rừng thường bùng phát ở Nepal vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5, khi người dân đốt lá khô trong rừng. Theo ông Sharma, số vụ cháy rừng từ đầu năm 2021 đến nay đã cao gấp 15 lần con số này trong năm 2020. Cơ quan khí tượng thủy văn nước này cảnh báo, tình trạng khói bụi sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới. Giới chức y tế nước này cũng khuyến cáo người dân nên ở nhà và đeo khẩu trang.
Tổng hợp từ VTV
Để lại bình luận