Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ triển khai các biện pháp mạnh tay hơn, bao gồm áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số khu vực, kêu gọi hợp tác từ các nước láng giềng, nhằm đối phó với tình trạng đốt rừng và chất thải nông nghiệp đang lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên diện rộng.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa hôm 27/3 cảnh báo Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm nếu người dân vẫn tiếp tục đốt chất thải nông nghiệp và gây ra các đám cháy rừng.
Ông Varawut cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động hơn 1.000 người để khống chế các đám cháy tại các vườn quốc gia, đồng thời triển khai máy bay trực thăng thực hiện khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày để hỗ trợ công tác dập lửa. Khoảng 80% các vụ cháy xảy ra trong các khu bảo tồn và rừng quốc gia, trong khi 15% là trên đất nông nghiệp.
Ông Varawut thừa nhận tình trạng bụi mịn PM2.5 năm nay tồi tệ hơn năm trước nhiều lần. Ông cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình lên Nội các một báo cáo về vấn đề ô nhiễm không khí trong ngày 28/3, đồng thời thảo luận triển khai các biện pháp đối phó với vấn đề này.
Miền Bắc Thái Lan tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm thế giới vào hôm 27/3, với tỉnh Chiang Mai ghi nhận mức bụi mịn PM2.5 là 287 microgam trên mét khối khí (μg/m3), giữ vị trí là thành phố ô nhiễm nhất thế giới dựa trên chỉ số IQAir toàn cầu. Giới hạn an toàn của Thái Lan đối với chỉ số PM2.5 – tình trạng ô nhiễm bụi mịn liên quan đến tử vong sớm do các bệnh về tim, phổi – là 50μg/m3.
Theo ông Varawut, Chính phủ Thái Lan thậm chí đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Tổng thư ký ASEAN, thông qua nhắc nhở các nước thành viên về vấn đề khói mù xuyên biên giới, kêu gọi công dân các nước láng giềng sinh sống tại khu vực biên giới giáp với Thái Lan không đốt chất thải nông nghiệp hoặc gây ra các đám cháy rừng. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường nỗ lực chống ô nhiễm khói mù, đồng thời cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã gửi thư tới hai nước láng giềng Lào và Myanmar đề nghị hợp tác chống ô nhiễm khói mù, đặc biệt trong việc giải quyết nạn đốt nương làm rẫy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan trong ngày 28/3 đã báo cáo mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại các tỉnh phía Bắc ở thang màu đỏ (tức là mức nguy hiểm). Số liệu ghi nhận cho thấy, mức độ bụi mịn PM2.5 tại các địa phương này dao động từ 99 – 517 microgram/m³, trong khi ngưỡng an toàn do chính phủ đặt ra là 50 microgram/m³.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, nguyên nhân của tình này trạng này chủ yếu là do các vụ cháy rừng ở nông thôn, nhiều điểm nóng ở các nước láng giềng và không khí tù đọng trong khu vực. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm không khí sẽ vẫn nghiêm trọng ở miền Bắc nước này cho đến ngày 4/4.
Hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Phát triển Công nghệ Địa tin học và Vũ trụ (GISTDA) cho biết Thái Lan hôm 26/3 ghi nhận 5.572 điểm nóng cháy rừng, mức cao kỷ lục trong 5 năm. Con số này ở Myanmar là 10.563 điểm, ở Lào là 9.652 điểm, ở Campuchia là 1.342 điểm, ở Việt Nam là 870 điểm và ở Malaysia là 22 điểm.
Nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 gia tăng, Ủy ban Môi trường Quốc gia Thái Lan đã yêu cầu toàn bộ 17 tỉnh ở miền Bắc nước này dừng các hoạt động đốt rơm rạ, đốt rừng… cho đến cuối tháng 4, đồng thời thời nhấn mạnh, chìa khóa để thực hiện thành công việc kiểm soát khói mù phụ thuộc vào sự hợp tác của người dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Môi trường Quốc gia Thái Lan cũng có kế hoạch đóng cửa các công viên rừng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, giới hạn số lượng xe tải được phép vào khu vực đô thị và thời gian hoạt động của phương tiện, đồng thời làm mưa nhân tạo và thiết lập không gian không có bụi mịn PM2.5.
Tổng hợp từ nhiều nguồn