Đến hẹn lại lên
Ngày 14-10, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên các xứ đồng ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho thấy tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra. Tại xã Đại Đồng, Lại Thượng (huyện Thạch Thất), gốc rạ cháy đen mặt ruộng; ở các xã Yên Sơn, Sài Sơn (huyện Quốc Oai) rơm rạ được chất thành đống rồi đốt, khói bốc lên nghi ngút kín một vùng…
Đặc biệt, việc đốt rơm rạ ở cánh đồng các xã: Thanh Xuân, Phù Lỗ, Mai Đình (huyện Sóc Sơn) – khu vực gần sân bay Nội Bài đã ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm tầm nhìn của máy bay. Vì thế, nhiều vụ thu hoạch trước, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đều gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để không ảnh hưởng đến an toàn hàng không.
Không chỉ xảy ra ở vụ mùa, tình trạng đốt rơm rạ cũng diễn ra ở cả vụ xuân 2022. Theo kết quả kiểm kê phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ thuộc Dự án “Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố: Vụ xuân năm 2022, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố là 85.188ha, tương ứng với khối lượng rơm rạ khô người dân bỏ lại khoảng 402.930 tấn. Trong đó, các huyện có khối lượng rơm rạ phát sinh lớn là: Sóc Sơn 42.000 tấn, Ứng Hòa 41.000 tấn, Chương Mỹ 40.000 tấn, Mỹ Đức 38.000 tấn…
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) ngày 17-10 tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, giám sát, xử lý rơm rạ vụ mùa trên địa bàn thành phố.
Hoạt động này nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, cản trở tầm nhìn, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả việc xử lý rơm rạ trong vụ mùa. Từ ngày 17 đến 22-10, Sở Tài nguyên và Môi trường giao Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chủ trì làm việc với 19 quận, huyện, thị xã còn đất sản xuất nông nghiệp để nắm bắt tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ làm phân vi sinh và chế tài xử phạt hành vi đốt rơm rạ của các địa phương.
Sau khi kiểm tra, tổ công tác sẽ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố triển khai các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch…
Tổng hợp từ Báo Hà Nội mới