Bùn, tro thải trong quá trình sản xuất gỗ dán, gỗ ván ép được công ty Anh Phương tại Cụm CN Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội nạo vét rồi cho cá nhân vận chuyển đi có dấu hiệu đổ thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, việc một số doanh nghiệp đổ trộm hay cho, bán các chất thải công nghiệp để san lấp mặt bằng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau, đổ thải không đúng quy định đã trở thành vấn đề nóng, nhức nhối gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước về chất thải công nghiệp của chính quyền một số địa phương còn nơi lỏng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao.
Trong quá trình triển khai, thực hiện chuyên đề: “Mối nguy hại từ việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp không đúng quy định.” Qua quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, khoảng 15h55 ngày 31/1/2023 PV phát hiện một chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29H20811 đang đổ chất thải có màu đen kịt như bùn, mùi khó chịu tại khu đất thuộc thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (giáp với CCN Nguyên Khê).
Ông Sơn – lái xe cho biết: Tôi xin bùn từ một doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép trong CCN Nguyên Khê đổ ở ruộng nhà tôi cho khô, sau đó xúc về để trồng cây.
Theo ghi nhận của PV, bùn thải bám vào lốp xe, khi ông Sơn chạy xe ra kéo theo bùn đất từ trong ruộng ra đường nhầy nhụa, bụi bẩn khắp một đoạn dài. Dọc tuyến đường quanh CCN Nguyên Khê gần bãi đổ thải bùn in hằn rõ vết lốp xe tải.
Sau khi trao đổi với PV, ông Sơn tiếp tục về công ty gỗ ván ép này để lấy bùn thải, PV đã đi theo xe của ông Sơn, điểm đến của chiếc xe dừng tại 1 doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép trong cụm công nghiệp Nguyên Khê.
Trao đổi với PV, ông Mạnh và bà Huế – Quản lý công ty cho biết: Công ty tôi là công ty TNHH sản xuất và xuất khẩu gỗ dán Anh Phương Việt Nam. Đây là tro, mùn cưa sau khi công ty đốt lò xử lý khí thải thì có một lượng bùn lắng xuống, chúng tôi đang cho dọn dẹp. Đúng là công ty cho ông Sơn bùn thải này nhưng ông Sơn đổ ở đâu thì chúng tôi không biết. Đây không phải là chất thải nguy hại, từ trước đến giờ chúng tôi đều bán lại cho các bên để trồng cây.
Theo như lời ông Mạnh và bà Huế cho biết, thì từ khi hoạt động đến nay, có lẽ đã có hàng tấn chất thải công nghiệp được công ty cho, bán ra ngoài. Hành vi này có đúng quy định?.
Câu trả lời của ông Mạnh và bà Huế dường như còn thể hiện lãnh đạo công ty không hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường. Liệu công ty Anh Phương đã được các cơ quan chức năng cấp các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định. Hằng năm UBND huyện Đông Anh có kiểm tra việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của công ty Anh Phương? Trong quá trình kiểm tra có phát hiện những tồn tại, vi phạm? Những câu hỏi này xin được gửi tới lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn huyện Đông Anh.
Trước cửa công ty, xe tải của ông Sơn chở bùn đi ra cũng làm rơi vãi ra đường không được công ty quét dọn, chỉ khi PV nhắc nhở công ty mới cho người ra thu dọn. Ngoài ra, dù đã hoạt động nhiều năm nhưng công ty Anh Phương cũng không treo biển hiệu.
Nhận thấy việc công ty Anh Phương cho chất thải công nghiệp có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ môi trường PV đã đến Công an huyện Đông Anh trình báo sự việc và đã được đồng chí Đàm Văn Dũng – Cán bộ Đội kinh tế tiếp nhận và cho biết sẽ báo cáo với chỉ huy để xử lý, khi nào có kết quả sẽ thông tin tới cơ quan báo chí.
Do khu vực đổ chất thải nằm trên địa bàn xã Tiên Dương, PV đã liên hệ với ông Hoàng Xuân Hùng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dương để làm rõ sự việc, ông Hùng cho biết: Qua trao đổi với ông Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê thì được biết vị trí đổ thải thuộc địa bàn xã Tiên Dương, UBND xã Nguyên Khê đang chỉ đạo công an kiểm tra, làm rõ. Chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã Nguyên Khê kiểm tra, sau đó báo cáo UBND huyện.
Ông Nguyễn Bá Huy – Trưởng thôn Lương Nỗ cho biết: Khu vực này thuộc dự án giải phóng mặt bằng, ria đường và là ruộng cuối cùng của xã Tiên Dương. Trước đây do khu công nghiệp Nguyên Khê lấy đất nên khu vực đó bà con không canh tác được nữa và bỏ trống, tiêu thoát nước cũng không tiêu thoát được nên là cứ để đó. Cơ bản không cấy hái gì được mà khu vực đó cũng đang ở trong dự án làm đường Quốc lộ 3 đi Khu công nghiệp Nguyên Khê.
Sau khi nghe ông Huy thông tin, ông Hùng cho hay: Sơ bộ khu vực này nằm trong dự án đang chuẩn bị thi công giải phóng mặt bằng đường Quốc lộ 3 vào Khu công nghiệp. Xác định đổ chất thải ra môi trường là sai, người ta khai là đổ để trồng cây nhưng ở đấy vào dự án giải phóng mặt bằng thì không trồng cây được, đang dự án thu hồi giải phóng mặt bằng để làm đường thì trồng cây thế nào được.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, hành vi xả thải bùn, đất thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bùn thải đổ ra môi trường nếu gặp những trận mưa sẽ chảy ra ngấm vào lòng đất hoặc chảy vào cống thoát nước chung, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Những bùn, đất thải đều phải được xử lý, không được xả bừa bãi, vô tội vạ ra môi trường.
Trước sự việc trên, kính đề nghị Huyện ủy Đông Anh chỉ đạo UBND huyện Đông Anh và các phòng ban chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ hành vi cho, bán chất thải của công ty Anh Phương có đúng quy định, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có). Đồng thời cần kiểm tra toàn diện việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của công ty Anh Phương từ khi hoạt động đến nay. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm chủ phương tiện nếu có sai phạm.
Theo khoản 4,5 điều 81 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc Phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:
4. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường; lưu giữ bằng các thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ phù hợp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
5. Việc vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu sau đây:
a) Chất thải phải được chứa, đựng trong các thiết bị, dụng cụ bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển, trừ trường hợp chất thải đặc thù có khối lượng lớn phải chứa, đựng trực tiếp bằng các thiết bị, thùng chứa của phương tiện vận chuyển;
b) Chất thải phải được vận chuyển theo loại sau khi đã được phân loại theo quy định;
c) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Khoản 2, 8 điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ – CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định:
2. Hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; kho hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;
c) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại theo quy định; không có thiết bị, dụng cụ, khu vực, kho lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường khi không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
8. Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường dưới 1.000 kg;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg;
đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 5.000 kg đến dưới 10.000 kg;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 10.000 kg đến dưới 20.000 kg;
h) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 20.000 kg đến dưới 30.000 kg;
i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 30.000 kg đến dưới 40.000 kg;
k) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 40.000 kg đến dưới 60.000 kg;
l) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 60.000 kg đến dưới 80.000 kg, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
m) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 80.000 kg đến dưới 100.000 kg, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
n) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận hoặc đốt chất thải rắn thông thường từ 100.000 kg trở lên.