Dự kiến đến cuối năm 2020, 11/29 cơ sở tại tỉnh Gia Lai vẫn không thể hoàn thành xác nhận khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do khó khăn trong nguồn vốn đầu tư xử lý ô nhiễm.
29 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của tỉnh, tỉnh Gia Lai có 29 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm: 12 cơ sở y tế và 17 bãi rác, đều thuộc cơ sở công ích. Theo lộ trình, hết năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ xử lý dứt điểm các cơ sở này, đưa ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bãi chôn lấp rác thải huyện Đăk Đoa với quy mô 1,4ha, hoạt động theo hình thức chôn lấp lộ thiên, không hợp vệ sinh từ năm 2008. Bãi rác này tiếp nhận khoảng 22 tấn rác thải/ngày, thu gom từ 06 xã lân cận bãi rác của huyện Đăk Đoa. Hàng tuần, bãi rác được phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng. Mỗi 3 tháng, đội công trình đô thị sẽ tiến hành xử lý bằng phương pháp đốt, tái sử dụng để giảm lượng rác, tạo diện tích tiếp tục chôn lấp.
Bãi rác huyện Chư Păh theo hình thức lộ thiên khiến rác thải vương vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường
Chậm tiến độ
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai, đến nay, có 04 cơ sở y tế và 02 bãi rác đã được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm; 12 cơ sở đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm và lập thủ tục đề nghị chứng nhận; các cơ sở còn lại phần lớn chưa có kinh phí xử lý triệt để ô nhiễm.
Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 11/12 cơ sở y tế và 7/17 bãi rác được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm, chiếm tỷ lệ 62,06%; 11 cơ sở còn lại gồm 1 cơ sở y tế là Trung tâm y tế thị xã An Khê và 10 bãi rác tại các huyện vẫn chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm.
Bà Lê Thị Hồng Quyên – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, các bãi rác nằm trong danh mục cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Gia Lai đều là bãi lộ thiên, chưa lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác… Rác thải được thu gom về bãi rác tập trung và xử lý theo hình thức phun thuốc diệt côn trùng, khử mùi, đốt, san ủi…
“Phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm và nguồn kinh phí lập dự án chi tiết để trình các Sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án làm cơ sở trình Bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm”, bà Lê Thị Hồng Quyên nói.
Theo báo điện tử Tài nguyên và môi trường
Để lại bình luận