Khói bụi bao trùm thành phố
Những đám mây bụi bao phủ thành phố là “cơn ác mộng” của người dân Hà Nội trong những ngày qua. Từ trên cao, có thể thấy một màn sương mù dày đặc màu trắng xám. Người dân ra đường tưởng như đi trong “sương mù”. Nhiều gia đình lo lắng cho sức khỏe mỗi khi đi ra đường những ngày này.
Hà Nội cũng nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu với nồng độ bụi mịn PM2.5, cao gấp 30 lần giới hạn cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), lúc 10 giờ sáng ngày 9/12/2023, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở nhiều khu vực tại Thành phố Hà Nội đang dao động ở mức trên 150 đơn vị, đây là mức độ gây hại cho sức khỏe.
Liên tiếp những ngày gần đây, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới. Ứng dụng AirVisual cũng ghi nhận lúc 8h ngày 3/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau Karachi và Lahore (Pakistan) với chỉ số 182. Vậy tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn này nguyên nhân do đâu, ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, sức khỏe của người dân?
Tháng 11 vừa qua, Hà Nội chỉ có 1 ngày không khí ở mức an toàn, là ngày 13/11; 14 ngày ở mức trung bình, kém; 15 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe của mọi người.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí liên quan mật thiết đến thời tiết. Mùa Hè, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh… các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp.
Mùa Đông thì ngược lại, gió lặng, trời ít mưa nên sương mù xuất hiện, không khí ô nhiễm nặng do khói bụi, khí thải không thể bay đi.
Ngoài ra, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng vẫn diễn ra rất phổ biến, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị.
Tập trung nguồn lực kiểm soát ô nhiễm không khí
Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với người hoạt động ngoài trời lúc sáng sớm và chiều tối.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ các điểm đốt rác thải, rơm rạ, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất kiểm soát khí thải, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí…
Người dân chống chọi với ô nhiễm không khí
Nhiều người dân cảm thấy khó chịu với tình trạng không khí mù mịt như thời gian này tại Hà Nội, đặc biệt đối với những người hay phải chạy xe ngoài đường. Anh Lê Văn Tân, chạy xe Grab chia sẻ: “Khi tham gia giao thông, tôi phải đeo khẩu trang 100%, nhưng về nhà là mũi ngạt, mắt bám đầy bụi. Buổi tối, tôi phải rửa mũi và nhỏ mắt bằng nước muối để làm sạch”.
Đeo khẩu trang, nhưng không phải để tham gia giao thông, mà là tập thể dục. Đây đã trở thành thói quen của Ông Đặng Đình Huy, quận Ba Đình, Hà Nội trong suốt tuần qua. Ông Huy chia sẻ, mưa hết, nắng lên xe chạy nhiều là bụi khủng khiếp.
“Đối với người trẻ tuổi, tôi không biết có ảnh hưởng như thế nào nhưng đối với người cao tuổi như chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu, mệt, khó thở hơn”. Bà Lan ở quận Hà Đông chia sẻ.
Một người dân nữa đang ở Hà Nội, anh Ngô Tuấn Anh thì tâm sự: “Bình thường tôi đi làm bằng xe máy, nhưng giờ chuyển sang đi xe công cộng cho đỡ bụi. Chỉ cần bước chân xuống xe là tôi thấy không khí khác hẳn!”.
Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp vì ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí cộng thêm các tác nhân thời tiết khiến cho nhiều người dân đã phải đến khám và điều trị các bệnh lý hô hấp. Như tại Bệnh viện Phổi TW, ghi nhận nhiều bệnh nhân phải đi khám do viêm phổi. Biểu hiện là tức ngực, khó thở ngày càng trở nặng.
Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Phổi TW, chỉ riêng số bệnh nhân đến khám các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng lên tới 250 ca/ngày. Bác sĩ Bùi Thu Hương, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay, lượng bệnh nhân tăng lên khoảng 20%. Mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, suy giảm sức đề kháng của người dân.
Các chuyên gia cảnh báo, ô nhiễm không khí là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đồng thời khuyến cáo người dân trong những ngày có cảnh báo về ô nhiễm không khí, những đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính… nên hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời.
Nguồn VTV