Từ ngày 11 – 17/6, Tổ công tác liên ngành do Sở tài nguyên và môi trường chủ trì sẽ kiểm tra khoảng 20 huyện, thị xã để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch của địa phương, nhằm có giải pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn chế đốt rơm, cải thiện chất lượng không khí thành phố.
Trước đó ngày 9/6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã phát cảnh báo ô nhiễm không khí. Thông báo của Tổng cục Môi trường cho hay, từ ngày 3/6, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm, đặ biệt bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 – 22 giờ hàng ngày. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con đốt rơm rạ để giải phóng mặt ruộng chuẩn bị vụ lúa đông xuân, cộng với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn gây ra nghịch nhiệt ở gần mặt đất khiến cho chất ô nhiễm không thể khếch tán lên cao. Cường độ bức xạ nhiệt cao xúc tác cho các phản ứng quang hóa, sinh ra O3, NO2.
Trong ngày đầu tiên đi kiểm tra thực tế, tổ công tác liên ngành thống kê được huyện Đan Phượng còn khoảng 10% lượng rơm rạ sau thu hoạch bị đốt ngay tại ruộng, huyện Phúc Thọ còn 20%, thị xã Sơn Tây còn 10%, riêng huyện Ba Vì đã áp dụng tốt các biện pháp xử lý rơm rạ nên tình trạng đốt tại ruộng chỉ khoảng 5%.
Qua kiểm tra thực tế, tổ công tác liên ngành cho rằng, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm; chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc…
Để cải thiện tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tổ công tác liên ngành đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; tổ chức ký cam kết tới từng hộ sản xuất lúa; hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, như: Kết nối với doanh nghiệp trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón…
Tổng hợp từ báo Hà Nội mới và báo kinh tế&đô thị
Để lại bình luận