Hiện nay, Hà Nội đang phối hợp với nhiều nhà khoa học và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam… để nghiên cứu, đánh giá và phân tích khoa học về thực trạng chất lượng không khí Thủ đô làm cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và tiến đến hoàn thiện Kế hoạch tổng thể cải thiện chất lượng không khí vào cuối năm 2020 – Ông Lê Tuấn Định, phó giám đốc sở tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, một nguồn dữ liệu đồng bộ, chính xác là yêu cầu tối cần thiết trong việc đánh giá hiện trạng cũng như đề xuất các giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí.
GS.Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam từng dẫn chứng, Trung Quốc bị ô nhiễm không khí trầm trọng, nhưng gần đây, tình hình đã cải thiện rõ rệt nhờ chính quyền biết dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học. Hà Nội cũng nên áp dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn một cách bài bản.
Bộ số liệu đầu vào cho riêng Hà Nội đang được thu thập và xây dựng bởi Công ty Tư vấn RCEE-NIRAS dưới sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới (WB), tập trung vào cập nhật dữ liệu từ các nguồn thải chính như làng nghề, sinh hoạt dân cư, đốt rơm rạ, giao thông, xây dựng, công nghiệp, sản xuất năng lượng.
Với bộ số liệu đó, WB sẽ hỗ trợ Hà Nội nghiên cứu, áp dụng mô hình đánh giá chất lượng không khí GAINS – mô hình nổi tiếng trên thế giới trong quản lý chất lượng không khí đã được áp dụng tại 48 quốc gia châu Âu và một số quốc gia tại châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… Mô hình này giúp cơ quan quản lý xác định các chính sách hiệu quả về mặt chi phí và biện pháp kỹ thuật trong quản lý chất lượng không khí.
Sau khi nghiên cứu thành công, mô hình sẽ được chuyển giao cho Bộ tài nguyên và môi trường và các cơ quan chức năng ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh để chính quyền địa phương xây dựng chính sách về chi phí và cách thức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí.
Theo “Nâng hạng chất lượng môi trường không khí: Cần thiết lập dữ liệu chuẩn”, báo điện tử tài nguyên và môi trường
Để lại bình luận