Xử lý triệt để các loại rác thải
Những ngày này, về xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, không gian làng quê thoáng đãng, sạch đẹp hơn hẳn, không còn cảnh vứt rác, đốt rác ở ven đường hay rác thải chất thành các bao tải chờ thu gom… Thay vào đó, mỗi gia đình đều có thùng rác để phân loại, giảm rác thải cần thu gom.
Ông Vũ Văn Đáng, người dân thôn Thao Ngoại, xã Sơn Hà chuyên làm nghề túi xách bằng da chia sẻ, trước kia gia đình ông hay để rác chung, lộn xộn, nhưng khoảng một năm nay, bắt đầu phân loại rác theo hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã, nay cũng đã thành nếp rồi.
Nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Sơn Hà là đầu mối của cả 3 thôn trong xã để triển khai phát động phong trào bảo vệ môi trường. Hàng tuần, cứ đến ngày thứ Bảy và Chủ nhật, Hội lại phối hợp cùng các đoàn viên thanh niên trong xã thu gom vỏ chai nhựa, giấy loại… bán gây quỹ giúp đỡ các hộ khó khăn.
Việc thu gom rác thải bảo vệ môi trường của Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên xã Sơn Hà thời gian qua đã tạo thành phong trào có tính lan tỏa, thu hút hơn 100 hộ gia đình tại thôn Thao Nội và Thao Ngoại chuyên làm nghề sản xuất túi xách bằng da cùng tham gia.
Nhờ đó, đến nay tại xã Sơn Hà không còn xảy ra tình trạng đốt rác thải công nghiệp thừa gây khói mù mịt làm ô nhiễm môi trường như trước nữa. Nhiều hộ gia đình chuyên làm túi xách bằng da sau khi được tuyên truyền, vận động cũng đã tận dụng triệt để các đầu mẩu da thừa sử dụng vào từng mục việc, tránh gây lãng phí.
Còn bà Phạm Thị Thanh, thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng cho hay: Việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi, vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ để bón cho cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu.
“Từ khi xã phát động mô hình phân loại rác thải, bà con quanh xóm đều đồng tình ủng hộ, tự phân loại các chất thải. Chỉ mất thêm một chút công sức ngay tại nhà nhưng bù lại, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn” – bà Thanh hào hứng nói.
Từ chỗ thí điểm ở một số hộ gia đình trong thôn Tạ Xá cuối năm 2022, đến nay mô hình phân loại rác tại nguồn đã được triển khai đến khoảng 40 hộ dân. Đa số người dân đều đồng thuận trong thực hiện mô hình này.
Hướng tới một Phú Xuyên xanh, sạch, đẹp
Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Nguyễn Văn Hoa cho biết: Đến nay, xã đạt tỷ lệ đăng ký thu gom và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng quy định trên 90%. Mô hình phân loại triệt để rác thải sinh hoạt để tái sử dụng đang được địa phương nghiên cứu thay đổi phương pháp triển khai và nhân rộng toàn xã.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ thời gian qua triển khai trên địa bàn là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán khó về tiêu chí môi trường để xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2022 và hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 – 2024.
“Để phát huy hiệu quả mô hình này, xã giao cho các hội đoàn thể, nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên đảm nhiệm, xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua của mỗi cán bộ, lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể” – ông Hoa khẳng định.
Mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã, đang được các ban, ngành của các xã Sơn Hà, Đại Thắng, Phú Yên triển khai điểm thời gian qua với hàng trăm hộ tham gia. Cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, địa phương đã cấp phát thùng chứa rác tự chế và chế phẩm sinh học.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình vẫn còn những hạn chế, khó khăn do thói quen và người dân ở một số xã chưa nhận thức hết lợi ích của việc phân loại, xử lý rác. Ngoài ra, chưa có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, mô hình chưa được triển khai rộng khắp và chưa đồng bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Nguyễn Văn Minh cho hay: Lãnh đạo xã đã phân rõ người, rõ việc, người phụ trách tuyên truyền vận động, người lập kế hoạch dự toán nguyên vật liệu, người phụ trách kỹ thuật. Khi thực hiện các mô hình điểm đều đưa vào tiêu chí bình xét các danh hiệu, đưa vào quy ước, hương ước của thôn.
Bên cạnh đó, để tiêu chí môi trường làng nghề được đảm bảo, địa phương đã khảo sát, lập danh sách các hộ sản xuất làm nghề túi da để xác định khối lượng rác thải công nghiệp của các hộ thải ra mỗi ngày làm cơ sở thống nhất ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long thu gom hàng ngày, không để người dân tự thỏa thuận thu gom.
Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Trương Vinh Quang chia sẻ: Thời gian tới, địa phương đặt mục tiêu mỗi xã sẽ có 1 – 2 mô hình điểm về xử lý, phân loại rác tại nguồn. Đối với các xã là làng nghề truyền thống, mục tiêu là 100% số hộ sẽ tham gia thực hiện.
Hiện nay, mỗi ngày toàn huyện Phú Xuyên có khoảng 115 tấn rác thải sinh hoạt cần xử lý. Các mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn nếu được triển khai sâu rộng đến 100% hộ trên địa bàn sẽ là việc làm đầy ý nghĩa.
Theo đó lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý sẽ giảm được từ 30 – 40%, tương đương hàng chục tấn mỗi ngày. Mong muốn của đơn vị là việc xử lý rác tại hộ gia đình chuyên sâu hơn nữa đối với rác vô cơ, nhằm giảm áp lực cho công tác xử lý rác thải hiện nay. Đặc biệt, đây chính là giải pháp hữu hiệu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nói về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: Từ những mô hình xử lý rác tại nguồn, thời gian tới, các xã, thị trấn cần quan tâm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; hội viên, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng.
Mặt khác, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, người dân trong công tác bảo vệ môi trường, để Phú Xuyên ngày một xanh, sạch, đẹp, văn minh. Đồng thời, cũng là hướng mở để tăng lượng du khách đến với các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Theo Kinh tế và Đô thị