Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là hai trong số những thách thức lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta ngày nay và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người: nó gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu và con số này đang tăng lên. Chỉ riêng ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, 4 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí mỗi năm, trong khi 4 tỷ người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe.
Nhưng ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho con người. Các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn, hay SLCPs – chịu trách nhiệm cho tới 45% sự nóng lên toàn cầu ngày nay, góp phần làm tăng mực nước biển và các hiện tượng khí hậu cực đoan và thường xuyên hơn như hạn hán, hỏa hoạn và bão. Những chất gây ô nhiễm này mạnh hơn hàng chục đến hàng nghìn lần so với carbon dioxide trong việc làm nóng hành tinh.
May mắn thay, cắt giảm lượng khí thải SLCP được coi là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để giữ cho chúng ta ở mức dưới 1,5°C. Hành động đối với carbon đen và khí mê-tan trong các lĩnh vực quan trọng có thể làm giảm 0,5°C sự nóng lên toàn cầu dự kiến vào năm 2050, tránh hàng triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí hàng năm, ngăn chặn hàng triệu tấn thất thoát mùa màng hàng năm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, bên cạnh những lợi ích bổ sung khác cho phúc lợi của con người và hành tinh.
Giới thiệu về Hội nghị Khí hậu và Không khí Sạch 2023: Tuần Hành động vì Chất lượng Không khí
Năm nay, Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) sẽ tổ chức Hội nghị Khí hậu và Không khí sạch 2023: Tuần hành động vì chất lượng không khí diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 29/5 đến 1/6. Hội nghị quy tụ các chuyên gia, đại diện chính phủ và nhà hoạch định chính sách, các cơ quan liên chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn nữa để xác định các cơ hội mới, phát triển năng lực và tạo điều kiện hợp tác và trao đổi kiến thức để giải quyết ô nhiễm không khí và các tác động bất lợi của nó đối với sức khỏe cộng đồng, sự phát triển, môi trường và khí hậu.
Sự kiện kéo dài một tuần với sự cộng tác của nhiều đối tác, sẽ giới thiệu một loạt phiên họp toàn thể và phiên thảo luận nêu bật những hiểu biết mới nhất, giải pháp đã được chứng minh và tiến bộ mới trong việc giải quyết ô nhiễm không khí và tác động của nó đối với biến đổi khí hậu. Các phiên sẽ tập trung vào việc thúc đẩy:
- Lập kế hoạch tích hợp và hợp tác nhiều bên liên quan.
- Những câu chuyện về sự thành công và ưu tiên cho không khí sạch ở các thành phố, cấp quốc gia và khu vực, bao gồm cả lãnh đạo liên chính phủ. Ví dụ điển hình của Hàn Quốc và Trung Quốc.
- Nền tảng khoa học và thực tiễn tốt nhất để hỗ trợ chính sách, thúc đẩy nền kinh tế không gây ô nhiễm và nâng cao nhận thức của các bên liên quan.
- Các Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), cảm biến chi phí thấp (LCS) để quan trắc chất lượng không khí như một lựa chọn để tăng cường năng lực giám sát chất lượng không khí bên cạnh mạng lưới quan trắc chính thức của các chính phủ.
- Các giải pháp công nghệ và công nghiệp để quản lý chất lượng không khí.
Giới thiệu về Liên minh Khí hậu và Không khí sạch
Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) là đối tác toàn cầu duy nhất chuyên cắt giảm các chất ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn để ổn định khí hậu, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C và giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí. Thành viên của CCAC bao gồm 79 quốc gia đại diện cho 50% lượng khí thải SLCP toàn cầu cùng với các tổ chức liên chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và tổ chức xã hội dân sự cam kết bảo vệ khí hậu và cải thiện chất lượng không khí thông qua các hành động nhằm giảm SLCP. Việt Nam chính thức là thành viên của CCAC kể từ năm 2017.
Nguồn UNEP