Nghiên cứu Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) thực hiện vừa được công bố trong một hội thảo trực tuyến chia sẻ các kết quả nghiên cứu tác động dài hạn của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, tổ chức ngày 12/8 vừa qua.
Các kết quả tính toán do nhóm nghiên cứu thực hiện chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 của tất cả quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cao hơn từ 1,1 – 1,5 lần so với mức quy chuẩn của Việt Nam (25μg/m3) và gấp từ 2,8 – 3,9 lần so với mức không khí sạch khuyến nghị của WHO (10 μg/m3).
Theo tính toán dựa trên hàm sức khỏe, năm 2019 Hà Nội có thể đã có khoảng 2.855 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, tương đương 12% số ca tử vong sớm ở người trưởng thành trên 25 tuổi của thành phố. Trung bình cứ 100.000 dân thì có khả năng có 35,5 người tử vong vì ô nhiễm bụi PM2.5. Con số này khá cao so với trung bình của cả Việt Nam và các thủ đô nổi tiếng ô nhiễm khác như Bangkok, Bắc Kinh. Phơi nhiễm với không khí bị ô nhiễm có thể khiến tuổi thọ trung bình của người dân thủ đô giảm đi khoảng 2,49 năm.
Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, các nhà nghiên cứu cũng tính toán những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội được kiểm soát ở các mức độ khác nhau.
Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 giảm xuống bằng mức quy chuẩn Việt Nam, số ca tử vong sớm trong năm sẽ giảm 2.575 ca và tuổi thọ trung bình của người dân tăng thêm 2,22 năm.
Dưới đây là một số phát hiện chính của nghiên cứu:
Nguồn infographic Ngô Hà, Báo Khoa học và phát triển
Để lại bình luận