Mùi hôi nồng nặc có trong nước và không khí ô nhiễm gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, học tập của người dân ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
“Nước đem tưới cây, cây nào cũng chết”
Sinh sống cách khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành (KXL rác Bàu Cạn) khoảng 100m, gia đình ông H., ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn khoan 8 cái giếng, sâu hơn 30m nhưng nay chỉ còn dùng được 2. Ông H. ngán ngẩm cho biết, 2 năm trở lại đây, ông phải lấp đi 3 giếng, bỏ 3 giếng vì nguồn nước ô nhiễm nặng, 2 giếng còn lại dùng tạm vì mức độ nhẹ hơn.
Nhìn vào hàng dưa mình trồng đang chết dần, ông H. vào nhà lấy ca, bơm thử nước từ giếng đã bỏ lên cho phóng viên Thời báo VTV xem, ông H. nói: “nước này nó có màu hơi đục mà có mùi hôi khủng khiếp lắm, không thể nào chịu nổi. Dùng để tưới cây thì cây bị xoăn lá, chết từ từ. Giờ đây, gia đình tôi mỗi tháng phải tốn 2-3 triệu đồng mua nước sạch về nấu ăn, cả nhà chủ yếu sống bằng nông nghiệp nên có tiền để mua nước là không phải dễ”.
Không những vậy, gia đình ông H. và hàng trăm hộ dân xung quanh còn phải gánh chịu mùi hôi nồng nặc có trong khói. Những người dân ở đây cho hay, khói nghi xuất phát từ KXL rác Bàu Cạn. “20-21h mỗi tối là nhà nào nhà nấy chỉ có đóng hết cửa, vô nhà hết chứ đứng ngoài là không thể chịu nổi, mùi hôi khủng khiếp lắm. Lúc mà nó (KXL rác – PV) xả, đốt khói lên mà mưa xuống là khói dằn xuống nhìn 100m không thấy ngọn cây. Khói này làm viêm xoang suốt, uống bao nhiêu thuốc cũng không hết. Phản ánh lên chính quyền địa phương đã 2 năm nay nhưng chưa thấy phương án giải quyết gì” – ông H. nói.
Sống cách KXL rác Bàu Cạn vài chục mét, bà L., ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn kể, gia đình sống ở đây đã hơn 30 năm, xưa kia, con mương này mùa mưa mới có nước, mùa nắng không có nước, gia đình tôi còn xuống mương bắt cua, bắt ốc về ăn nhưng giờ không có con nào sống nổi bởi giờ mùa nắng nước vẫn chảy, lúc thì đen kịt, lúc đỏ lòm, mùi hôi nồng nặc… Để hình dung rõ hơn, người dân dẫn phóng viên men theo rừng keo, tiến sát vào KXL rác Bàu Cạn. mặt của người lạ. Lúc đó, nước có màu đen từ KXL rác Bàu Cạn vẫn đang chảy xuống con mương.
“Nước trước khi dùng lọc bao nhiêu lần nhưng vẫn sợ. Còn nước giếng bơm lên tưới là cây xoăn lá, chết hết. Không thể nào mà sống ở đây được trong khi ô nhiễm không khí và nguồn nước như vậy” – bà L. bức xúc.
Từ KXL rác Bàu Cạn, nước chảy xuống con suối nhỏ ở cầu Bản Cù cách đó vài trăm mét. Dọc mương nước chảy, nhiều mảng đen bám lại trên mặt nước, trên bờ mương. Khi gặp con suối, nước đọng lại, mặt nước nổi đầy bong bóng, chỗ màu đen, chỗ màu đỏ nâu cùng mùi hôi nồng nặc bốc lên.
Gia đình sống ngay cạnh con suối, anh S., ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn chia sẻ, thời gian gần đây, con suối trở nên đen kịt cùng với mùi rất hôi. “Con tôi mới hơn 2 tuổi, ở lâu dài trong môi trường này sợ sẽ phát triển không tốt nên tôi đưa con đến xã khác ở, sau cũng sẽ đưa ba mẹ theo chứ ở như thế này trước sau gì cũng sẽ đổ bệnh” – anh S. nói
Cũng giống gia đình anh S. ở phía bên kia con suối, ông T., ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn cho biết, 2 tháng rồi, nước đen như vậy. Giếng nhà tôi dùng hơn 20 năm nay phải bỏ vì nước hôi lắm, phải đi xin nước ở giếng gia đình khác về dùng. Thấy có các phái đoàn đến đây lấy mẫu nước, rồi tôi thấy những ngày sau nó đổ còn nhiều hơn.
Cách KXL rác Bàu Cạn khoảng 500m, có trường mầm non Tân Thành và trường tiểu học Tân Thành, ấp 7, xã Bàu Cạn, các giáo viên và phụ huynh cũng có nhiều ý kiến với phóng viên Thời báo VTV.
Cô L., giáo viên trường mầm non Tân Thành, ấp 7, xã Bàu Cạn cho biết, giáo viên lẫn học sinh bị viêm xoang rất nhiều. Những lúc hôi quá học trò nói với tôi nhưng tôi chỉ biết lấy khẩu trang ra đeo cho các em chứ chẳng biết làm thế nào nữa cả. Nhiều phụ huynh đòi đưa con về nhưng những trường xung quanh đây đều chung tình trạng như vậy nên tôi khuyên phụ huynh nên để con ở lại học.
Là một trong những phụ huynh muốn chuyển trường cho con, chị N. chia sẻ: “Tôi chở con đi học mà ngỡ như đi Đà Lạt vậy. Bệnh viêm phổi con tôi cũng tái đi tái lại rất nhiều lần. Muốn chuyển trường cho con mà thấy khu vực này trường nào cũng tình cảnh này nên không biết chuyển đi đâu. Lâu dài chắc con tôi bị viêm phổi vĩnh viễn”.
Không riêng chị N., lo ngại về tình trạng sức khỏe lâu dài là điều mà các phụ huynh khác cũng lo lắng, bà T., ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn cho biết, học sinh học trong môi trường rất ô nhiễm. – ” Nước rồi khói như sương mù, ngày nào cũng như vậy, sợ sau này các cháu sẽ bị ung thư. Lo nhưng biết đưa cháu đi đâu học, rồi cũng phải học đây thôi, không biết ngày nào cháu nó bệnh”
Phụ trách y tế mầm non Tân Thành, ấp 7, xã Bàu Cạn, bà T. nói: “Vừa qua tôi có khám định kỳ toàn trường cho trẻ, khoảng 70% trẻ mắc bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, ho, kéo dài”.
Câu chuyện về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí xảy ra trên địa bàn xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từng được báo chí phản ánh cách đây chưa lâu. Vào thời điểm tháng 12/2023, ông Trương Công Niễm, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Long Thành cho biết, xã Bàu Cạn hiện nay có KXL rác gồm 2 đơn vị đang hoạt động gồm Công ty Cổ phần Môi trường Tân Thiên Nhiên và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long. Trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến về nội dung này “nhưng khi kiểm tra không phát hiện mùi hôi”.
Theo VTV