Hơn 300 hộ làm nghề cô đúc nhôm tại Mẫn Xá (Bắc Ninh) đã tạo nên làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc, cùng với đó là một môi trường ô nhiễm khủng khiếp.
Cha truyền con nối, sống cùng ô nhiễm
Xã Văn Môn nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Phong, cách trung tâm huyện 3km, phía Bắc giáp xã Yên Phụ và thị Trấn Chờ, phía Đông giáp xã Đông Thọ, phía Nam giáp xã Hương Mạc (Từ Sơn), phía Tây giáp Thụy Lâm (Hà Nội).
Xã Văn Môn gồm có 5 thôn với có 5 điểm tập kết rác thải sinh hoạt ở mỗi thôn, Các thôn đều có tổ vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom và vận chuyển rác thải trong thôn xóm về bãi rác tập trung. Tháng 6/2018, bãi rác thôn Tiền Thôn đã được xây mới và đưa vào sử dụng góp phần giảm tải cho bãi rác cũ đã đầy, khu xử lý rác thải sinh hoạt của huyện chưa hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các điểm tập kết rác thải sinh hoạt ở địa phương vẫn luôn trong tình trạng quá tải, cần được xử lý, đặc biệt là tại làng nghề Mẫn Xá.
Làng nghề Mẫn Xá với nghề cô đúc nhôm được xem là 1 trong những làng nghề gây ô nhiễm nhất cả nước. Với công nghệ sản xuất cơ bản đều thủ công, những cơ sở sản xuất nhỏ hầu như nhà nào trong làng cũng có ít nhất 1 lò cô đúc, còn hộ sản xuất lớn, doanh nghiệp thì trên 10 lò/hộ, tất cả hoạt động thường xuyên, không qua bất kỳ khâu xử lý môi trường nào, tất cả đều được thải trực tiếp ra môi trường gồm: những cột khói đen thải ra không khí, còn bã xỉ nhôm thì đổ trực tiếp xuống ruộng, ao, hồ gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Tại Mẫn Xá, 90% hộ dân tại đây sống phụ thuộc vào nghề. Với bề dày lịch sử trải dài hàng chục năm, nghề cô đúc nhôm tại đây đã trở thành kế sinh nhai của nhiều người, là nghề “cha truyền, con nối”, nuôi sống hàng nghìn nhân khẩu mỗi ngày.
Được biết, nhờ nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá đã có nhiều căn nhà tiền tỷ mọc lên, khiến nơi đây còn có một tên gọi khác là “làng tỷ phú”. Thế nhưng, theo những người dân nơi đây, con số những căn nhà tiền tỷ cũng chỉ chiếm số nhỏ so với tổng số hộ dân, và liệu rằng có mấy ai dám về đây xây nhà, lập nghiệp trong môi trường ô nhiễm cả về nguồn đất, nước và không khí vây quanh?
“Chúng tôi ở đây mùa gì cũng khổ. Vào ngày nắng nóng thì khói, bụi là thứ thường gặp ở nơi đây. Ngày mưa, khi nước mưa gặp xỉ nhôm khô sẽ bốc mùi lên không chịu nổi. Người nào mới đến cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm ở đây. Nhiều hộ gia đình có kinh tế hoặc không làm nghề thì chuyển đi nơi khác sinh sống. Chúng tôi vì không có kinh tế nên phải thích nghi, lâu rồi cũng thành quen“, một người dân ngao ngán cho biết.
Người dân không phải không biết về tình trạng ô nhiễm tại thôn Mẫn Xá, vì đã có không ít đoàn thể, ban ngành về đây để tuyên truyền, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hay thậm chí là xử phạt những hành vi đổ thải gây ô nhiễm. Có điều, những hoạt động trên diễn ra nhỏ lẻ, không có sự đồng bộ, liên kết từ các cơ quan địa phương, khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài bấy lâu nay chẳng thể xử lý dứt điểm.
Kế sinh nhai đánh đổi bằng tính mạng
Khảo sát thực tế tại thôn Mẫn Xá ngày 7/12, phóng viên (PV) Báo Tri thức và Cuộc sống choáng ngợp bởi mức độ rộng lớn của bãi thải xỉ nhôm, được ước tính vào hơn 370.000 tấn tro, xỉ thải trên một vùng rộng lớn xấp xỉ 2.000m2. Đáng nói là các loại tro, xỉ thải này đều không qua một công đoạn xử lý nào mà được các lò, xưởng đổ thẳng ra môi trường.
Theo lời một người lao động tại đây, mỗi xưởng cô đúc nhôm có từ 3 đến 6 thợ, tùy theo công suất lò và khối lượng công việc. Ước tính, mỗi ngày các lò cô đúc nhôm ở làng Mẫn Xã có thể tái chế từ 500kg đến 2.000 kg phế liệu. Cứ mỗi 1 tấn phế liệu “sạch” lại thu được từ 700 – 850kg nhôm, còn lại 150 đến 300 kg xỉ nhôm thải loại. Nói là “phế liệu sạch” là bởi người dân ở đây còn sàng lọc cả các hạt xỉ nhôm trong tro thải đến từ các nơi khác, với đầu ra thành phẩm chỉ khoảng 100kg nhôm/tấn tro thải.
Với khối lượng lớn tro, xỉ thải tập trung, môi trường không khí tại làng nghề Mẫn Xá chưa khi nào hết bụi, tựa như một làng nghề ẩn trong mây mù độc hại. Kết hợp với nó là sự nồng nặc của mùi hóa chất đến từ các lò đốt, tạo ra bởi than và phế liệu nung chảy, quận vào nhau dưới lớp khói đậm đặc, từ trắng xóa tới đủ kiểu màu.
Qua những cuộc trò chuyện, PV được biết người dân lao động làm việc trong các lò cô đúc nhôm đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, từ khắp mọi miền Tổ quốc. Với mức thu nhập vào khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày, họ sẵn sàng đánh đổi sức khỏe để có tiền gửi về quê, chăm lo cho cả gia đình. Mức thu nhập có vẻ cao, lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, kỳ thực cũng chỉ để dành mua thuốc chữa các căn bệnh về hô hấp mai này.
Không chỉ người lao động, các chủ xưởng cũng xắn tay lên mà tối ngày ăn, ngủ cùng cái nghề cô đúc nhôm. Thế nhưng, với nhận thức chưa đủ và đúng đắn về bầu không khí độc hại đang hít thở, người dân nơi đây, cả trẻ con lẫn người già không hề quan tâm đến việc dùng khẩu trang. Có chăng, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, người dân lo ngại dịch bệnh nên mới dùng.
Có mặt tại nhiều xưởng cô đúc nhôm, PV được thấy cảnh công nhân xách từng chậu phế liệu bỏ vào những lò đốt cuồn cuộn lửa. Theo kết quả phân tích sản phẩm của chính một người dân tại làng nghề, ngoài thành phần chính là nhôm (khoảng 85%) thì còn lại là các tạp chất khác bao gồm các chất hóa học, các kim loại nặng như niken, kẽm, chì, mangan, asen, cadimi, thủy ngân,…
Đáng lưu ý, các kim loại này khi được thiêu đốt từ 300 độ C trở lên một số loại đã nóng chảy cuốn lên theo bụi từ lò nấu, tạo ra khí bụi thải độc hại không chỉ tại khu vực lò mà còn lan truyền vào môi trường không khí xung quanh. Vậy mà các lò tại làng nghề Mẫn Xá đều hoạt động với mức nhiệt lên đến 600 – 700 độ C. Những làn khói bốc ra từ các lò chứa đầy phế liệu nóng chảy đều là các khí bụi thải rất ô nhiễm và độc hại, không qua bất kỳ quy trình xử lý nào mà hòa quyện với không khí, đầu độc người dân, động thực vật và môi trường tại đây suốt những năm qua.
Chưa kể, nhiều hộ kinh doanh sử dụng dầu thải, dầu FO làm chất đốt thay vì dùng than, tạo ra các chất độc hại có thể xâm nhập qua đường hô hấp, da, hệ tiêu hóa khi vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến thần kinh, máu, gan,… Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu thải có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi… Thậm chí có thể gây ung thư, tử vong.
Chỉ một ngày có mặt tại làng nghề thôn Mẫn Xá, bộ quần áo tối màu của PV đã được phủ một lớp “kim tuyến” óng ánh sắc bạc. Trên đường, trong các xưởng hay bất cứ đâu tại làng nghề này đều có sự xen lẫn của màu đen từ khói bụi dầu thải, màu xám của tro xỉ thải và ánh bạc lấp lánh của bụi nhôm. Chẳng thế mà năm 2016, Văn Môn từng được công bố là một trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải.
Với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài hàng chục năm qua, làng nghề thôn Mẫn Xá đã trở thành điểm nóng về vấn đề môi trường. Vậy, UBND xã Văn Môn, UBND huyện Yên Phong và các cơ quan quản lý môi trường tại địa phương đã có những biện pháp gì để cải thiện tình trạng ô nhiễm này?
Nguồn Minh Châu, Báo Tri thức và cuộc sống